Dân Việt

Sản xuất lúa đạt hiệu quả cao trên vùng đất phèn

TS Nguyễn Công Thành 09/10/2013 09:06 GMT+7
Nhiều nông dân ở ĐBSCL đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, tham gia mô hình “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, phân bón, thuốc trừ sâu và tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, thu nhập) ở các vùng đất nhiễm phèn, từ đó có thu nhập cao.
Anh Nguyễn Thanh Liêm ở xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết đã trồng lúa “3 giảm, 3 tăng” nhiều vụ liên tục những năm gần đây và đạt hiệu quả cao. Trong vụ đông xuân 2013, anh sử dụng giống lúa chịu phèn mặn OM 6976 trên diện tích 2ha và áp dụng phương pháp sạ theo hàng tiết kiệm giống. Lượng giống anh gieo là 120kg/ha, trong khi nhiều bà con ngoài mô hình sử dụng đến 150 - 200kg giống/ha. Anh cũng áp dụng kỹ thuật bón phân hợp lý và tiết kiệm cho vùng đất phèn như bón đủ phân đạm cho nhu cầu cây lúa, tăng lượng phân lân hạ phèn không gây độc cho lúa. Đồng thời áp dụng kỹ thuật phòng trừ tổng hợp sâu bệnh (IPM) như trừ cỏ bằng Sofit 2 ngày sau khi sạ, không phun thuốc trừ sâu giai đoạn 45 - 50 ngày đầu, không phun thuốc trước khi thu hoạch 10 - 15 ngày... Nhờ đó đã giảm lượng phân bón và thuốc BVTV xuống 30% và 50% so với trước khi áp dụng mô hình.

Mô hình “3 giảm 3 tăng” ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.
Mô hình “3 giảm 3 tăng” ở huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang.

“Tuy giảm lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc BVTV nhưng năng suất lúa vẫn đạt khá cao với 6,4 tấn/ha. Tổng chi cho 2ha hết 32 triệu đồng, trong khi tổng thu hơn 69 triệu đồng. Tính ra lợi nhuận trên 1ha là 18,5 triệu đồng” – anh Liêm phấn khởi.

Ngoài anh Liêm còn có nhiều hộ nông dân trồng lúa khác ở các vùng đất phèn nhẹ tại Bạc Liêu như anh Nguyễn Văn Gai, Nguyễn Văn Hai, Trương Văn Tròn và đều đạt hiệu quả cao. Kết quả tổng kết mô hình ở các xã Vĩnh Hưng A, Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, nhiều hộ đạt năng suất lúa bình quân hơn 5,6 tấn/ha (tăng hơn so với ngoài mô hình gần 350kg/ha). Thu nhập cũng tăng hơn ngoài mô hình khoảng 1.050.000 đồng/ha.