Khó làm
Cắt tỉa chè bằng máy theo tiêu chuẩn chè UTZ ở HTX Tân Hương (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). |
Người góp công lớn để sản phẩm chè Tân Hương được cấp chứng nhận đạt chuẩn quốc tế UTZ là bà Đỗ Thị Hiệp – Chủ nhiệm HTX Chè Tân Hương. Bà Hiệp cho biết: “Cây chè trồng theo tiêu chuẩn chè UTZ cũng giống như cây chè truyền thống, có điều sản xuất thì phải tuân theo hàng chục quy định từ trồng, chăm sóc, hái, sao, bảo quản, đóng gói… theo một quy trình khép kín”.
Anh Lê Văn Hạnh- xã viên của HTX Tân Hương cho biết: “Chè UTZ khi thu hoạch không được rải xuống đất, gạch hay xi măng, mà phải rải trên bạt, lưới hoặc sàn gỗ, để chè không bị lầu, mất mùi và vị chè. Tại khu sản xuất chè UTZ phải treo biển báo, nếu phun thuốc phải cảnh báo “khu vực cách ly 24 giờ”...
Theo bà Hiệp, sự khác biệt nổi bật giữa chè thường và chè UTZ là với chè thường, người dân muốn phun thuốc BVTV gì thì phun, bón phân gì thì bón; còn đối với chè UTZ phân bón, thuốc BVTV, thậm chí cả nước đều phải đạt chuẩn, không có độc tố. Sản phẩm khi thu hoạch đều được ghi chép cẩn thận việc luân chuyển từ các hộ đến HTX và khi ra thị trường, nên nếu xảy ra vấn đề gì, có thể truy được tận gốc, ai làm sai có thể biết được ngay.
Chưa có thương hiệu
Bà Hiệp cho biết, hiện HTX có 37/50 hộ đăng ký sản xuất chè UTZ, với diện tích hơn 10ha và được chia thành 7 tổ, mỗi tổ có một tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc các hội viên thực hiện theo đúng quy trình. Năm 2012, HTX thu hơn 30 tấn chè theo tiêu chuẩn UTZ và được Hiệp hội Chè Việt Nam bao tiêu với giá 300.000 đồng/kg (cao gấp đôi giá chè trên thị trường).
Song, việc vận động xã viên tham gia không phải là dễ, thậm chí vận động được rồi, khi thực hiện họ lại làm sai quy trình dẫn đến chất lượng không đảm bảo. “Chúng tôi phải khéo léo động viên xã viên, vì bấy lâu nay họ vẫn quen với lối sản xuất cũ, khi họ thấy được giá trị, lợi ích chắc chắn họ sẽ chú tâm làm” – bà Hiệp bày tỏ.
Xã viên Nguyễn Văn Thắng cho hay: “Quy trình sản xuất chè UTZ rất kỳ công, chất lượng chè hơn hẳn các loại chè khác. Nhưng khó khăn hiện nay của HTX là chưa tìm được đầu ra sản phẩm ổn định, hiện chủ yếu là bán lẻ cho người có nhu cầu. Bên cạnh đó, việc quảng bá còn hạn chế, nên người tiêu dùng chưa hiểu và nhận biết một cách đầy đủ về loại chè của chúng tôi làm, do đó họ chưa sẵn sàng chi tiền cho sản phẩm sạch và có giá trị này”.
Vấn đề lo nhất đối với các sản phẩm chè sạch hiện nay là chưa tìm được đầu ra vững chắc. Để giải quyết vấn đề này, chính ông Đoàn Anh Tuân – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam đã cam kết sẽ có bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho HTX. Tuy nhiên, đến nay việc tiêu thụ chè sạch ở Tân Hương vẫn đang hết sức khó khăn.
Việt Tùng