Dân Việt

Nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học: Còn thiếu quy trình chuẩn

Nguyễn Tùng – Thanh Xuân 16/07/2013 12:36 GMT+7
Chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học (ĐLSH) không chỉ giúp cho lợn, gà nhanh lớn, giảm bệnh tật, hạn chế công rửa chuồng, thức ăn, mà còn làm giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay mô hình này vẫn chưa được nhân rộng…
Còn nhiều hạn chế

Hà Nam là tỉnh đi đầu cả nước trong việc áp dụng mô hình ĐLSH trong chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Sau hơn 2 năm triển khai, hiện tỉnh đã có gần 3.000 mô hình, với khoảng 16.000m2 chuồng. Theo tìm hiểu của NTNN, hầu hết người dân đang sử dụng ĐLSH đều thừa nhận những ưu điểm của mô hình này trong chăn nuôi lợn, gà. Ông Vũ Đức Mạnh, xã An Đỗ (Bình Lục, Hà Nam) đang áp dụng 20m2 chuồng ĐLSH, nuôi 3 lợn nái và 20 lợn thịt cho hay, ưu điểm của ĐLSH là ấm về mùa đông, nhưng lại nóng về mùa hè. Vì vậy, nếu nuôi lợn nái, lợn con thì rất thích hợp: “Đặc tính của lợn là khi còn nhỏ, cho đến khoảng 50kg, chúng dúi rất mạnh, nên dường như không phải đảo chuồng. Trên 50kg, do lợn béo, nóng, cộng với nền chuồng ĐLSH nóng, nên chăn nuôi lợn to không phù hợp lắm” – ông Mạnh lý giải.
Ông Nguyễn Đại Thắng (thôn Phú Nghĩa,  xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) đang rất thành công với mô hình ĐLSH cho chăn nuôi trang trại.
Ông Nguyễn Đại Thắng (thôn Phú Nghĩa, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) đang rất thành công với mô hình ĐLSH cho chăn nuôi trang trại.

Cũng theo ông Mạnh, trước đây mùn cưa, trấu, người dân chỉ đi xin, nhưng nay thấy người dân xin nhiều, các cơ sở đã bán với giá 20.000 đồng/bao mùn cưa, 15.000 đồng/bao trấu. Do đó, để làm một chuồng rộng 20m2, riêng mùn cưa, trấu cũng đã hết vài triệu đồng, trong khi đó mức hỗ trợ của tỉnh chỉ 165.000 đồng/m2. Nếu làm diện tích nhỏ thì không đáng là bao, nhưng nếu chăn nuôi lớn, thì số tiền đầu tư khá tốn kém.

Ông Vũ Xuân Công - Trưởng ban Thú y xã Vũ Bản (Bình Lục, Hà Nam) thừa nhận, ĐLSH còn nhiều hạn chế và việc triển khai cũng còn rất nhiều khó khăn. Ông Công nói: “Mặc dù tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ, nhưng hầu hết các hộ đang chăn nuôi đã làm chuồng bằng nền xi măng, khi làm ĐLSH buộc phải phá một phần nền, đào hố cho ĐLSH xuống. Không chỉ vậy, còn phải tìm kiếm nơi mua mùn cưa, trấu, nên nhiều người vẫn chưa mặn mà”.

Nhà quản lý, nhà khoa học còn… “nợ dân”


Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho rằng, việc nhân rộng mô hình ĐLSH ra trên diện rộng vẫn còn chậm, ngoài những hạn chế đã nói ở trên, một nguyên nhân nữa là do đề tài khoa học nghiên cứu men vi sinh và mô hình ĐLSH này vẫn chưa được Bộ KHCN, Bộ NNPTNT công nhận. Bản thân mô hình vẫn chưa phải là một quy trình chuẩn, nhiều địa phương vẫn phải vừa áp dụng, vừa thử nghiệm, vừa sáng tạo.

“Nếu chưa có quy trình chuẩn được công nhận, việc triển khai đại trà rất khó khăn. Các nhà khoa học vẫn còn nợ người dân một quy trình chuẩn. Và quy trình đó phải tháo gỡ được những hạn chế hiện nay. Hạn chế được sức nóng của chuồng, đồng thời phải nghiên cứu ra máy đảo chuồng, thì mới có thể áp dụng cho chăn nuôi trang trại” – ông Hùng nói.

Thực tế cho thấy, tại xã Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam)- xã chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, chiếm tới gần 1/3 sản lượng lợn của tỉnh, ở đây hầu hết các hộ đều nuôi từ 100 – 500 con. Sau khi triển khai thí điểm 2 mô hình năm 2011, đến nay 100% xã không áp dụng được. Lý do người dân đưa ra là vì chuồng ĐLSH nóng, nuôi lợn thịt không hợp...

Trả lời về những thắc mắc trên, TS Nguyễn Khắc Tuấn (Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho biết, qua 4 năm triển khai ĐLSH, có thể khẳng định một điều chắc chắn là men giống và quy trình kỹ thuật đã khá ổn định, đủ điều kiện để phát triển ra toàn quốc. “Hiện tôi cũng đang hoàn thiện một số nhược điểm về nhiệt độ tăng và quy trình chuẩn để gửi lên Bộ NNPTNT thẩm định. Theo dự kiến, trong tháng 7, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức hội nghị đánh giá nghiên cứu ĐLSH để công nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật”- ông Tuấn cho biết.

Cán bộ Sở NNPTNT bán men vi sinh?

Bà Trần Thị Sâm – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vũ Bản cho biết, bà phải mua men vi sinh lại từ bà Trịnh Thu Hiền – cán bộ kỹ thuật Phòng Chăn nuôi (Sở NNPTNT Hà Nam) giá 100.000 đồng/kg. Về vấn đề này, ông Đỗ Đức Diện – Trưởng phòng Chăn nuôi cho rằng: “Giá 100.000 đồng/kg có thể do người dân, hoặc cán bộ nâng lên để lấy công. Bởi hiện nay các cán bộ trực tiếp xuống hướng dẫn dân cách làm ĐLSH chưa có thù lao”. Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Sẽ cho kiểm tra, xử lý”.


Trang trại lớn cũng áp dụng được

Có nhiều ý kiến cho rằng, ĐLSH chỉ thích hợp với chăn nuôi quy mô nhỏ. Nhưng ông Nguyễn Đại Thắng (thôn Phú Nghĩa, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, hiện trang trại của ông rộng khoảng 17.000m2, trong đó diện tích chuồng trại lên tới vài nghìn m2, ông đang nuôi khoảng 1.000 con lợn và hơn 4.000 con gà. Ông Thắng cho rằng việc thiết kế chuồng trại rất quan trọng. Ngoài việc làm chuồng ở nơi khô ráo, khi làm ĐLSH cần để lại một khoảng làm nền xi măng (1,5 – 2m2) tùy theo diện tích, số lượng lợn để làm chỗ ăn, ngủ cho lợn. Vào những ngày nóng, thì bật quạt mát và thông gió cho lợn.
Nguyễn Tùng (ghi)