Tuy nhiên tàn dư và hậu bão số 5 tiếp tục gây mưa lớn trên toàn miền Bắc, tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương cho biết.
Lúc 13 giờ ngày 3.8, trạm Khí tượng đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) quan trắc được gió mạnh 20m/s (cấp 8), giật 26m/s (cấp 10), đảo Cô Tô (Quảng ninh) 20m/s (cấp 8), giật 29m/s (cấp 11). Móng Cái (Quảng Ninh) 13m/s (cấp 6), giật 27m/s (cấp 10), Quảng Hà (Quảng Ninh) 18m/s (cấp 8), giật 30m/s (cấp 11). Cửa Ông (Quảng Ninh) 12m/s (cấp 6), giật 20m/s (cấp 8), Sơn Động (Bắc Giang) 15m/s (cấp 7), giật 20m/s (cấp 8), TP.Thái Bình (Thái Bình) gió giật 20m/s (cấp 8).
Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa do bão gây ra phổ biến từ 50-100mm. Một số nơi mưa nhiều hơn như: Núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) mưa rất to 180mm, Cửa Ông 128mm. Sơn Động 170m, TP.Ninh Bình (Ninh Bình) 135mm, Chi Nê (Hòa Bình) 123mm..., đặc biệt tại Cửa Ông (Quảng Ninh) có mưa đặc biệt lớn lượng lên tới 214mm.
Hồi 13 giờ 3.8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực trung du Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (từ 39-49km/giờ), giật cấp 8-9.
Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 4.8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 103,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi tây bắc Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Do ảnh hưởng ATNĐ, chiều và tối hôm nay (3.8), vùng biển phía bắc vịnh Bắc Bộ, bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng), đảo Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh) vẫn còn có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10, biển động rất mạnh.
Tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Các tỉnh ven biển đồng bằng Bắc Bộ có gió cấp 6-7, giật cấp 8, các nơi khác thuộc phía đông Bắc Bộ có gió giật cấp 6-7. Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Vùng núi cần đề phòng mưa lớn kéo dài gây lũ cao, lũ quét, trượt lở đất đá bất ngờ gây thiệt hại, vùng đồng bằng và ven biển, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội phòng ngừa mưa to làm ngập úng trên diện rộng.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3-4m tàn phá các đê kè ven biển. Chính quyền các địa phương, nhất là các tỉnh vùng núi biên giới phía bắc cần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong việc ứng cứu; vì từ chiều tối nay trở đi mưa lớn do tàn dư và hậu bão số 5 mới tấn công dữ dội các địa phương trên.