Ngày 23.12 Tổng cục Thống kê công bố “tình hình kinh tế-xã hội năm 2013,” với khá nhiều số liệu thống kê. Những con số này cho thấy bức tranh khá tổng thể về Việt Nam.
Vài con số chính là: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước đạt 2 triệu 543,6 ngàn tỷ đồng (tính theo giá 2010), tăng 5,42%, cao hơn mức năm 2012 (5,25%) một chút.
Cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa được cải thiện đáng kể với mức xuất siêu gần 1 tỷ USD. Xuất khẩu dịch vụ ước đạt 10,6 tỷ USD trong khi nhập khẩu dịch vụ khoảng 13,2 tỷ USD (nhập siêu dịch vụ 2,7 tỷ USD). Nói cách khác tổng nhập siêu của Việt Nam dưới 2 tỷ USD, chiếm cỡ 1,38% tổng nhập khẩu, có thể nói là thành tích tốt so với những con số rất xấu của nhiều năm trước.
Lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 ở mức 6,6% so với mức 9,21% của năm 2012 và mức 2 con số của mấy năm trước, cũng là một dấu hiệu cải thiện. Những chỉ số kể trên cho thấy chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ đã mang lại kết quả tích cực ban đầu.
Bên cạnh những con số theo hướng tích cực nêu trên Tổng cục Thống kê cũng công bố những con số gây lo ngại.
Tổng cục Thống kê cho biết năm 2013 số doanh nghiệp phải giải thể hay ngừng hoạt động là 60.743 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm là 76.955, cao hơn mức ngừng hoạt động nhưng số thực sự hoạt động không rõ có bù được cho số ngừng hay không.
Doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do môi trường kinh doanh không tốt (lãi suất quá cao, quá nhiều chi phí ngoài lề) và tất nhiên do chiến lược, chiến thuật kinh doanh kém. Những số liệu về nhập siêu, nhất là nhập siêu từ Trung Quốc, cũng cho thấy sự yếu kém của các doanh nghiệp nội địa. Và Nhà nước phải có chính sách phù hợp để cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, nếu muốn có một nền kinh tế không phụ thuộc vào nước ngoài. Tai nạn giao thông vẫn là vấn đề hết sức nhức nhối ở Việt Nam. Năm 2013 tai nạn giao thông đã làm chết 9.900 người, bị thương 32.200 người, không kém số thương vong của một cuộc chiến tranh!
Từ vài số liệu thống kê vừa được công bố, có thể thấy đã có tiến bộ nhất định về ổn định kinh tế vĩ mô, song nền kinh tế và xã hội còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết.