Dân Việt

5 nhà Vật lý đoạt giải Nobel nói gì khi được mời đến Việt Nam?

Hùng Phiên 02/08/2013 19:00 GMT+7
Nhờ xây đắp được tình bạn thân thiết lâu năm, GS Trần Thanh Vân có thể mời nhiều nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel đến Việt Nam.
Nhờ xây đắp được tình bạn thân thiết lâu năm, GS Trần Thanh Vân mới có thể mời nhiều nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel và cả GS Rolf Heuer - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) đến dự một cuộc hội nghị khoa học ở châu Á xa xôi, đòi hỏi phải vượt qua những chặng đường bay rất dài, không ít vất vả…

GS David J. Gross (Mỹ) sinh ngày 19.2.1941, đoạt giải Nobel Vật lý năm 2004 cho “khám phá hiện tượng tiệm cận tự do trong lý thuyết tương tác mạnh”. Ông Gross nhận bằng cử nhân và thạc sĩ tại Đại học Hebrew Jerusalem, Israel, năm 1962. Ông nhận bằng tiến sĩ Vật lý tại Đại học California, Berkeley vào năm 1966.

Năm 1973, Gross làm việc với các sinh viên đầu tiên của mình, Frank Wilczek, tại Đại học Princeton và phát hiện hiện tượng tiệm cận tự do: các quark gần nhau hơn tương tác mạnh giữa chúng nhỏ hơn, khi các quark ở rất gần nhau, lực tương tác hạt nhân giữa chúng trở nên quá nhỏ khiến cho chúng hành xử như những hạt tự do. Tiệm cận tự do, cũng được phát hiện một cách độc lập bởi Politzer, là một hiểu biết quan trọng đối với sự phát triển của sắc động lực học lượng tử.

img

GS David Gross viết cho GS Vân: “Rất cảm ơn anh về lời mời. Tôi rất vui lòng tham gia Ban Cố vấn quốc tế của Hội nghị và hy vọng có thể tới dự, hơn nữa, tôi chưa lần nào được đến Việt Nam. Đàm Thanh Sơn đã kể với tôi về Trung tâm của anh. Tôi cảm phục anh đã đứng ra đảm đương công việc khó khăn, quan trọng ấy. Tôi nóng lòng chờ chuyến thăm Việt Nam!”

GS Jack Steinberger đến từ Thụy Sỹ sinh năm 1921, Giải Nobel Vật lý năm 1988. Ông là con thứ hai trong gia đình Do Thái có ba con. Ông đến New York, học trường trung học Trier Township và sau đó học hai năm tại Viện Công nghệ Armour ngành Hóa học. Năm 1942, ông tốt nghiệp Đại học Chicago ngành hHa học. Sau đó ông tham gia quân đội và được gửi đến phòng thí nghiệm phóng xạ của MIT sau một vài tháng học về lý thuyết sóng điện từ trong một khóa học đặc biệt do quân đội Mỹ tổ chức tại Đại học Chicago.

Phòng thí nghiệm này có nhiệm vụ phát triển kỹ thuật ra đa và ông tham gia trong nhóm ăng ten. Trong số các nhà Vật lý nổi tiếng ở phòng thí nghiệm này có Ed Purcell và Julian Schwinger. Sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, Stenberger tiếp tục học tại Đại học Chicago.

img

Trong thư điện tử gửi GS Trần Thanh Vân, nhà bác học Jack Steinberger, người đã tới Việt Nam từ năm 1993, viết: “Cảm ơn anh về lời mời dự Hội nghị, tôi vui lòng nhận lời. Tôi đánh giá rất cao những gì anh đã làm cho lĩnh vực Vật lý của chúng ta và những gì anh đang làm để xây dựng ngành Vật lý ở nước anh - đất nước đã phải chịu đựng bao cuộc tiến công của nước chúng tôi, nước Mỹ.” GS Steinberger đã đến dự hội nghị GGVN lần thứ nhất ở Hà Nội năm 1993.

GS Sheldon Lee Glashow (Mỹ) sinh ngày 5.12.1936, là một nhà Vật lý lý thuyết đoạt giải Nobel Vật lý năm 1979 vì những đóng góp cho thống nhất tương tác điện yếu và dự đoán về dòng trung hòa yếu. Sheldon Lee Glashow được sinh ra tại thành phố New York, từ một gia đình Do Thái nhập cư từ Nga.

Ông tốt nghiệp trường trung học Khoa học Bronx năm 1950. Glashow nhận bằng cử nhân từ Đại học Cornell vào năm 1954 và bằng tiến sĩ Vật lý từ Đại học Harvard năm 1959. Sau đó, ông tham gia Đại học California, Berkeley, nơi ông là phó giáo sư từ 1962-1966.

img

Ông gia nhập bộ môn Vật lý của đại học Harvard và trở thành giáo sư năm 1966. Glashow từng là giáo sư thỉnh giảng, nhà khoa học tại CERN, Đại học Marseilles, MIT, Phòng thí nghiệm Brookhaven, Texas A & M, Đại học Houston, và Đại học Boston.

GS Klaus von Klitzing (Đức) sinh ngày 28.6.1943, nổi tiếng về công trình phát hiện Hiệu ứng Hall lượng tử, đoạt Giải Nobel Vật lý năm 1985. Ông tốt nghiệp trung học năm 1962 tại trường trung học Artland ở Quakenbrück, Đức. Sau đó ông vào học Vật lý học ở Đại học Công nghệ Braunschweig, tốt nghiệp năm 1969. Ông tiếp tục học và nghiên cứu ở Đại học Würzburg, hoàn thành bản luận án tiến sĩ năm 1972.

img

Ông tiếp tục làm việc ở Phòng thí nghiệm từ trường cao Grenoble cho tới khi trở thành giáo sư ở Đại học Kỹ thuật München năm 1980. Từ năm 1985, Von Klitzing làm giám đốc Viện nghiên cứu chất rắn Max Planck ở Stuttgart.

GS. George Smoot (Mỹ) sinh ngày 20.2.1945, là giáo sư về Vật lý thiên văn và vũ trụ học, đoạt Giải Nobel Vật lý năm 2006. Ông tốt nghiệp trường phổ thông trung học Upper Arlington tại Upper Arlington, Ohio, vào năm 1962. Ông học Toán học trước khi chuyển sang Viện Công nghệ Massachusetts, nơi ông nhận được bằng cử nhân kép về Toán học và Vật lý năm 1966 và bằng Tiến sĩ vật lý hạt vào năm 1970. Giáo sư Smoot làm việc cho Đại học California, Berkeley Khoa Vật lý. Năm 2003, ông được trao tặng Huân chương Einstein.

img

GS Georges Smoot bày tỏ: “Tôi rất vinh dự được tham gia Ban Cố vấn quốc tế của Hội nghị, và sẽ cố gắng đóng góp hết sức mình”.