Trước những dư luận trái chiều về nội dung cuốn sách “Xách ba-lô lên và đi” của tác giả Huyền Chip, mà đỉnh điểm là lá thư kiến nghị của một độc giả gửi lên Cục Xuất bản - Bộ thông tin và Truyền thông đề nghị đình chỉ xuất bản cuốn sách trên, sáng nay, 27.9, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Mai Thị Hương – Trưởng phòng Quản lý Xuất bản (Cục Xuất bản) về vấn đề này.
Cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi" của Huyền Chip hiện đang gây xôn xao dư luận. Thưa bà, nội dung cuốn sách có vi phạm điều luật nào của luật xuất bản mới ban hành không?
- Hiện tại, tôi chưa trả lời bạn vấn đề này vì tôi đang cho đọc cuốn sách. Cuốn sách “Xách ba-lô lên và đi” của tác giả Huyền Chip cũng nằm trong số những cuốn đang cho đọc vì thế tôi chưa biết nội dung đúng sai thế nào để trả lời bạn.
Theo bà Mai Thị Hương – Trưởng phòng Quản lý Xuất bản (Cục Xuất bản), theo luật xuất bản, Cục xuất bản chỉ nhận cuốn sách đã in ấn, và đọc hậu kiểm, trách nhiệm về nội dung thuộc thẩm quyền nhà xuất bản. |
- Chúng tôi đang cho đọc cuốn sách, việc ra thị trường hay
chưa, vi phạm thế nào chúng tôi sẽ có những biện pháp xử lý sau.
Tôi khẳng định, tại Cục
Xuất bản đến giờ phút này chưa có một xử lý nào về cuốn sách. Và việc xử lý cuốn sách Cục sẽ không trực tiếp
xử lý mà sẽ chuyển nhà xuất bản trả lời.
Việc của Cục Xuất bản không phải là thẩm định nội dung cuốn sách mà chỉ xem cuốn sách đó có đúng luật không khi có đơn kiến nghị.
Vậy trước khi xuất bản, nhà xuất bản có nộp bản lưu chiểu cho Cục Xuất bản không?
- Trước năm 1975, theo Luật Xuất bản, tất cả các Nhà xuất bản phải trình bản thảo cho cục xuất bản, cho cơ quan quản lý trước khi phát hành nhưng sau năm 1975, Cục Xuất bản không xem nội dung bản thảo trước khi xuất bản. Cục chỉ nhận cuốn sách đã in ấn và đọc hậu kiểm. Tôi khẳng định lại lần nữa, trách nhiệm về nội dung thuộc thẩm quyền nhà xuất bản.
Vậy khi Cục Xuất bản đọc bản lưu chiểu của cuốn sách, nếu phát hiện có vấn đề sai sót sẽ xử lý thế nào?
- Có rất nhiều cách xử lý nếu cuốn sách đó sai phạm. Tôi chưa đọc bản nộp lưu chiểu của cuốn sách nói trên nên chưa thể trả lời bạn về cách xử lý thế nào. Nếu cuốn sách đó vi phạm có nhiều biện pháp xử lý: nhà xuất bản tự xử lý, Cục Xuất bản sẽ nhắc nhở, phê bình, thậm chí đình chỉ phát hành hoặc chuyển thanh tra có thẩm quyền.
Được biết vào chiều qua, 26.9, một độc giả đã gửi đơn kiến nghị tới Cục Xuất bản về các nội dung xung quanh cuốn sách “Xách ba-lô lên và đi”, vậy hướng xử lý của Cục với đơn thư đó như thế nào?
- Hiện tại, đơn thư đó chưa đến tay tôi, vì vậy tôi chưa biết nội dung như thế nào để trả lời bạn về hướng xử lý. Sau khi đọc đơn thư, tôi sẽ trả lời sau.
Điều 10, điều 11 thuộc Luật xuất bản số 19/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 như sau:Điều 10: Các hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản 1. Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây: a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định; đ) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân. 2. Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây: a) Xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản; b) Thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản; c) In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm; d) Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu; đ) Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép; e) Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật. Điều 11. Xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản 1. Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 2. Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 3. Xuất bản phẩm có vi phạm thì bị đình chỉ phát hành có thời hạn và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải sửa chữa mới được phát hành hoặc bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy. 4. Xuất bản phẩm điện tử có vi phạm thì bị đưa ra khỏi phương tiện điện tử và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều này. 5. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất bản thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. 6. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; trường hợp quyết định sai, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
|