Bỏ phiếu tín nhiệm: Răn đe là quan trọng nhấtTại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã nêu các ý kiến tâm huyết về nhiều vấn đề nóng đang được quan tâm hiện nay như hiệu quả của việc lấy phiếu tín nhiệm; công tác phòng, chống tham nhũng; việc xây dựng luật cần bám sát thực tiễn…
Nguyễn Văn Khỏe - nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM hầu toà về tội tham nhũng đất đai. (ảnh minh họa).
Phát biểu về việc lấy phiếu tín nhiệm, cử tri Nguyễn Văn Sơn (phường Quán Thánh) khẳng định: Cần làm rõ vì sao những người có số phiếu tín nhiệm cao phần lớn là những người đứng đầu, trong khi phiếu tín nhiệm thấp lại rơi vào những người giữ chức vụ quản lý, điều hành trực tiếp. “Phải chăng điều này cho thấy việc lấy phiếu tín nhiệm chưa phản ánh đầy đủ năng lực của người đứng đầu. Thậm chí, việc lấy phiếu tín nhiệm có thể phát sinh không ít bất cập”- ông Sơn băn khoăn. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng đề nghị không nên duy trì 3 mức độ lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay mà nên áp dụng hai mức độ là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, đại biểu có số phiếu “không tín nhiệm” cao hơn 50% số phiếu thì cần phải xử lý ngay.
Cử tri Nguyễn Văn Dũng (phường Kim Mã) thì đề xuất biện pháp lấy phiếu tín nhiệm mới với các bộ trưởng. “Theo dõi các kỳ họp Quốc hội, tôi thấy nhiều bộ trưởng trả lời đúng, trúng vấn đề, nhưng cũng có nhiều bộ trưởng trả lời theo kiểu “trên trời, dưới biển”. Vì vậy, cần đợi các bộ trưởng trả lời chất vấn xong mới tổ chức lấy phiếu tín nhiệm để người bỏ phiếu cũng đánh giá thực chất, toàn diện hơn, còn các bộ trưởng cũng vì thế mà trả lời thận trọng hơn”.
Lắng nghe ý kiến của các cử tri xung quanh vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Việc lấy phiếu tín nhiệm bước đầu có tác dụng tốt. Điều quan trọng nhất là để răn đe chứ không phải để thay thế cán bộ. Đây là vấn đề mới, khó nên còn nhiều ý kiến khác nhau bởi trên thế giới, cũng chưa nước nào có cách làm như nước ta. Sẽ cần rút kinh nghiệm nhiều hơn nữa, kể cả việc lấy phiếu tín nhiệm trước hay sau khi bộ trưởng trả lời chất vấn bởi nói hay chưa chắc đã làm tốt”.
Đừng để “đầu voi, đuôi chuột”Một vấn đề khác được nhiều cử tri quan tâm và việc phòng, chống tham nhũng. Nhiều đại biểu đã trích dẫn lời của các đại biểu trong phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là vấn đề “có tham nhũng trong cơ quan phòng, chống tham nhũng hay không” được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ra.
Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) nêu ý kiến: “Tham nhũng là rất nghiêm trọng. Trước đây, tham nhũng là những con sâu đơn lẻ, nhưng bây giờ đã mang tính quyền lực liên kết trong lợi ích nhóm và trở thành các con bạch tuộc, len lỏi, bám chặt khiến người dân e ngại trong phòng, chống tham nhũng”. Đại biểu Thịnh cũng tỏ ra bức xúc khi nêu vấn đề: “Không có tội phạm nào lại nhiều án treo như tham nhũng. Thậm chí, tham nhũng đã len lỏi vào lực lượng phòng, chống tham nhũng nên có vụ án hình sự xét xử 20 bị cáo thì có tới 19 án treo”.
"Cần rút kinh nghiệm thật kỹ về việc lấy phiếu tín nhiệm bởi nếu không, những người được lấy phiếu tín nhiệm mà đối phó với vấn đề này thì còn làm ăn gì nữa”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết tại buổi tiếp xúc.
|
Tiếp nhận nhiều ý kiến khác xung quanh vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phòng, chống tham nhũng đã được bàn đi, bàn lại rất nhiều và tuyệt đối không thể xử lý theo kiểu đầu voi, đuôi chuột. Phòng, chống tham nhũng là vấn đề nhức nhối gây bức xúc, sốt ruột hiện nay.
Về tham nhũng, người có quyền nếu không biết kiểm soát sẽ dễ sinh ra hư hỏng. Bên cạnh đó, có thống kê cho thấy lãng phí còn ghê gớm hơn cả tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí cần được phát hiện và xử lý nghiêm. Ngoài ra, cần chú trọng hơn nữa vào công tác giám định tham nhũng bởi đây là việc rất gian khổ vì khi phát hiện được tham nhũng, nhưng giám định không cẩn thận sẽ dẫn tới méo mó”.