Ngày 19.9.2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng và lãng phí.
Bản thân số liệu của báo cáo tiết lộ công tác này rất kém hiệu quả. Rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đánh giá như thế. Vì sao vậy?
Thực ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh?Hùng đã đến gần sự thật, khi theo báo tường thuật ông đặt câu hỏi: “Có tham nhũng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng hay không?”. Hiểu “tham nhũng trong phòng chống tham nhũng” theo nghĩa hẹp là những người chống tham nhũng ăn tiền của kẻ tham nhũng và lờ vụ việc đi, hay làm giảm nhẹ vụ việc xuống. Loại này không hiếm, nhưng người ta lại hỏi: “Bằng chứng đâu?”. Và không có bằng chứng thì lại tịt hết!
Câu hỏi cần phải hỏi ở đây là: Nhà nước có chính sách gì để khuyến khích người ta ghi lại, lưu trữ và đưa ra bằng chứng và bảo vệ những người đi tìm và đưa ra bằng chứng? Trả lời vài câu hỏi đó là đụng đến vấn đề thể chế (luật lệ, quy định, tổ chức...).
Có thể khẳng định, việc chống tham nhũng chưa hiệu quả một phần lớn là do thể chế chưa tốt, chưa chặt chẽ.
Chúng ta đang thiếu các thể chế giám sát lẫn nhau với các chức năng được luật định một cách rạch ròi.
Tham nhũng gắn với quyền lực. Những người có quyền lực và dễ tham nhũng chủ yếu là những người thuộc nhánh hành pháp. Và không lạ, là báo cáo của cơ quan hành pháp về tham nhũng thường giảm nhẹ đi mức độ thiệt hại.
Thể chế tốt và chặt chẽ khiến những người có quyền lực phải tính toán thiệt hơn trước khi tham nhũng (có bị phát hiện không, nếu bị phát hiện thì được gì, mất gì...).
Bọn tham nhũng sợ nhất là mất quyền lực, mất chức, mất tài sản, mất sự nghiệp và những người có thể làm cho chúng mất như vậy là những người chúng sợ nhất. Dân, nói chung, không làm được việc đó nên bọn tham nhũng không sợ dân một cách trực tiếp. Chúng sợ thể chế tốt.
Một trong những thể chế tốt là phải có ngành tư pháp độc lập, xét xử nghiêm minh và chỉ tuân theo luật.
Còn nếu cứ như thực trạng đang diễn ra, tội phạm tham nhũng phát hiện đã ít nhưng khi xử thì tỷ lệ được hưởng án treo lại cao như các vị thành viên Ủy ban TVQH chỉ ra thì rõ ràng, công cuộc chống giặc nội xâm của chúng ta còn gian nan và nhiều thử thách lắm.