Thưa ông, ông có thể giới thiệu với bạn đọc Dân Việt về quy trình xuất bản một ấn phẩm, cụ thể là một cuốn sách?
- Khi bản thảo đưa đến nhà xuất bản sẽ có một bước biên tập sơ bộ xem nội dung bản thảo có phù hợp với chức năng của NXB hay không. Sau đó bản thảo sẽ được giao cho biên tập viên, biên tập viên đọc biên tập xong sẽ thông qua Trưởng ban biên tập cho ý kiến, sau đó gửi lên Phó Tổng biên tập tiếp tục cho ý kiến và tôi sẽ là người đọc duyệt và ra quyết định cuối cùng, ký Quyết định xuất bản.
Khi bản thảo đến khâu biên tập, nhà xuất bản có đọc và duyệt kỹ bản thảo không?
- Đương nhiên nhà xuất bản đã đọc, thậm chí đọc rất kỹ.
Trong cuốn sách “Xách ba-lô lên và đi” của Huyền Chip vừa qua, nhiều độc giả cho rằng, trong nội dung của cuốn sách có những chi tiết không đúng thực tế, mặc dù theo tác giả đây là cuốn “nhật ký hành trình” bảo đảm tính chân thực. Vậy trong khi đọc biên tập, nhà xuất bản có phát hiện được những chi tiết đó không?
"Nếu có sai sót, dĩ nhiên Nhà xuất bản Văn học cũng có một phần trách nhiệm nhưng trách nhiệm chính thuộc về bản thân tác giả của cuốn sách đó. Nếu tác giả viết sai sự thật đó là sự đáng lên án và không thể chấp nhận được" - ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Nhà xuất bản Văn học nói với Dân Việt hôm 27.9. |
Thực chất, với người cầm bút, khi viết bất cứ một tác phẩm nào phải đặt lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp lên trên. Với những chi tiết, thắc mắc của độc giả, nhà xuất bản sẽ làm việc lại với tác giả và công ty liên kết là Cty CP Sách và Truyền thông Quảng Văn để có những trả lời chính thức. Nếu có sai sót, dĩ nhiên Nhà xuất bản Văn học cũng có một phần trách nhiệm nhưng trách nhiệm chính thuộc về bản thân tác giả của cuốn sách đó. Nếu tác giả viết sai sự thật đó là sự đáng lên án và không thể chấp nhận được.
Vậy đối với độc giả, những người đã mua cuốn sách, nếu sau khi thẩm định phát hiện sai sót thì họ được bảo vệ quyền lợi thế nào, thưa ông?
Theo cá nhân tôi, sách là một mặt hàng vì vậy độc giả cũng là người tiêu dùng. Đã là người tiêu dùng thì họ sẽ được đảm bảo quyền lợi khi mua sản phẩm. Hơn nữa, sách là một loại hàng hóa đặc biệt vì vậy chắc chắn sẽ có những yêu cầu khắt khe hơn so với các loại hàng hóa khác. Nhà xuất bản khẳng định sẽ có nghĩa vụ đảm bảo quyền lợi của độc giả, đó đồng thời cũng là việc bảo vệ uy tín, thương hiệu của nhà xuất bản. Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ đến cùng quyền lợi của độc giả.
Hiện tại, có rất nhiều thắc mắc của độc giả xung quanh nội dung cuốn sách, ông trả lời thế nào về những thắc mắc đó?
Nhà xuất bản hiện tại chưa thể trả lời độc giả những thắc mắc đó. Chúng tôi không thể thay mặt tác giả để trả lời độc giả được. Câu trả lời chỉ có thể đưa ra sau khi nhà xuất bản làm việc lại với tác giả. Cần phải có sự tôn trọng nhất định đối với tác giả. Có thể khẳng định một điều rằng, dù kết quả như nào thì quyền lợi của độc giả sẽ được đảm bảo tối đa nhất. Tuy nhiên, nếu những nội dung trong cuốn sách hoàn toàn đúng sự thật, chúng tôi cũng sẽ kiên quyết bảo vệ tác giả đến cùng.
Được biết, chiều ngày 26.9, một độc giả đã gửi đơn kiến nghị tới Cục Xuất bản, đề nghị dừng xuất bản để xem xét nội dung của cuốn sách “Xách ba-lô lên và đi”, ông đã biết thông tin này chưa? Và xin ông cho biết hướng xử lý vấn đề này thế nào?
Tôi có biết thông tin trên. Tuy nhiên lá đơn này chỉ gửi đến Cục Xuất bản chứ không gửi cho chúng tôi. Hiện nay, chúng tôi đang chờ bên ý kiến chỉ đạo của Cục Xuất bản, sau đó sẽ có hướng xử lý cho các bước tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Để bạn đọc có thông tin nhiều chiều, PV Dân Việt đã tìm cách liên lạc, trao đổi với Công ty Cổ phần Sách và Truyền Thông Quảng Văn – đơn vị liên kết với Nhà Xuất bản Văn Học xuất bản cuốn sách “Xách ba-lô lên và đi” của tác giả Huyền Chip. Đại diện Công ty này cho biết, trong ngày 28.9, công ty sẽ gửi thông cáo báo chí đến các báo giải đáp tất cả thắc mắc của độc giả, ngoài ra không đưa ra bất cứ thông tin nào khác. |