Tại cuộc gặp mặt lấy ý kiến và trả lời các chính sách giải phóng mặt bằng dự án cầu Nhật Tân giữa các cơ quan chức năng Hà Nội với người dân phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội), hàng trăm hộ dân phường Phú Thượng bức xúc về đề xuất điều chỉnh phạm vi cầu Nhật Tân khiến hàng trăm hộ dân vốn không thuộc diện giải tỏa bỗng được yêu cầu di dời để phục vụ Dự án cầu Nhật Tân.
Dự án cầu Nhật Tân đang bị chậm tiến độ mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB) ở Sóc Sơn (hơn 300 hộ dân) và phía Nam cầu (hơn 100 hộ ở quận Tây Hồ).
Liên tiếp các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thúc tiến độ GPMB song công tác này vẫn chưa có chuyển biến, đặc biệt tại phường Phú Thượng, Tây Hồ.
Người dân bức xúc việc nắn chỉnh phạm vi lấy đất của Dự án cầu Nhật Tân.
Theo Quyết định số 650/QĐ-BGTVT ngày 15.3.2006 đầu tư dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu, Bộ Giao thông vận tải giao cho Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tại (TEDI) tổ chức tư vấn lập dự án nằm trong tổng thể quy hoạch chung của TP Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 108 ngày 20.6.1998.
Trong suốt quá trình triển khai lập nghiên cứu khả thi dự án cầu Nhật Tân, Bộ GTVT và TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ, thống nhất chỉ đạo các cơ quan tư vấn nghiên cứu, khảo sát, thiết kế nút giao liên thông Phú Thượng hoàn chỉnh, đảm bảo mỹ quan và đặc biệt phải phù hợp với quy hoạch lâu dài… Quyết định 650 ngày 15.3.2006 của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án cũng nêu rất rõ nút giao Phú Thượng là nút giao khác mức, liên thông dạng hoa thị hoàn chỉnh…
Sau gần nửa năm Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án, ngày 8.8.2006 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân ký công văn số 3453/UBND-XDĐT gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét chỉ đạo chủ đầu tư và tư vấn dự án điều chỉnh phạm vi lấy đất của nút giao với đê Hữu Hồng (đầu phía Nam cầu Nhật Tân - nút giao Phú Thượng) để không cắt vào các khu đất biệt thự D1, D3 (biệt thự Vườn Đào bán đấu giá) và khu đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị (nay là Công ty cổ phần) để xây dựng chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê và khách sạn… TEDI đã nghiên cứu, xây dựng và trình phương án điều chỉnh thiết kế nút giao Phú Thượng theo đúng đề nghị của TP Hà Nội và nhanh chóng được lãnh đạo Bộ GTVT chấp thuận.
Ngay sau khi Bộ GTVT chấp thuận phương án điều chỉnh thiết kế nút giao Phú Thượng do TEDI trình, UBND TP Hà Nội cũng đã vào cuộc rất khẩn trương chấp thuận các phương án điều chỉnh, bổ sung chỉ giới đường đỏ bờ phía Nam sông Hồng (phía nút giao Phú Thượng tỷ lệ 1/500) thuộc dự án cầu Nhật Tân.
Tại cuộc gặp mặt, hơn 150 hộ dân thuộc các tổ dân phố 47b, c, d phường Phú Thượng, bị thu hồi đất, bày tỏ bức xúc trước sự mập mờ trong quá trình lập, tư vấn, thiết kế và nắn chỉnh quy hoạch nút giao Phú Thượng của Bộ GTVT và TP Hà Nội mà trực tiếp của là TEDI với vai trò là cơ quan chuyên môn tổ chức tư vấn lập dự án và cũng là cơ quan trực tiếp điều chỉnh phương án thiết kế nút giao Phú Thượng.
Người dân cho rằng nếu không điều chỉnh thiết kế nút giao Phú Thượng thì sẽ không có chuyện phải bổ sung, điều chỉnh chỉ giới đường đỏ. Nếu không bổ sung, điều chỉnh chỉ giới đường đỏ thì hơn 150 hộ dân này sẽ không phải rơi vào cảnh bỗng dưng trong diện giải phóng mặt bằng mất nhà, mất đất chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp và các đại gia đang sở hữu các biệt thự hàng chục tỷ đồng trong các khu D1, D3 Vườn Đào. Và họ nói tại cuộc họp như thế là “không thể chấp nhận được”
Trong buổi gặp mặt công bố các chính sách giải phóng mặt bằng dự án cầu Nhật Tân diễn ra ngày 19.9 với sự tham dự của đại diện UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc và UBND quận Tây Hồ, người dân mới “ngã ngửa” khi nghe một cán bộ của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội thông tin: “…TEDI đề xuất phạm vi cầu Nhật Tân vi phạm vào quản lý quy hoạch của TP.Hà Nội…”.
Cũng tại cuộc gặp này khi lý giải câu hỏi của người dân về công văn 3453 ngày 8.8.2006 của UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh phạm vi lấy đất của nút giao Phú Thượng, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội - cho rằng, đề nghị chỉ là ý kiến của TP Hà Nội còn việc chấp thuận hay như thế nào là do Bộ GTVT quyết định!
Liên quan đến vấn đề này, người dân đã gửi đơn, thư khiếu kiện, tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân phường Phú Thượng, họ chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Dân Việt sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin vụ việc.