Dân Việt

Hiểm nguy ở đường làng

Phan Phương 26/09/2013 06:31 GMT+7
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng ở các trục đường liên thôn, liên xã. Các cơ quan chức năng cảnh báo người dân nên hạn chế tốc độ và đề cao cảnh giác với các tình huống bất ngờ.
Gia tăng các vụ tai nạn ở đường làng

Theo số liệu thống kê, mỗi năm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình xảy ra khoảng 200-230 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và trên 500 vụ va chạm giao thông, làm chết khoảng 200 người, bị thương 600 người. Trong đó, số vụ tai nạn xảy ra ở các tuyến đường giao thông nông thôn chiếm khoảng 35%, số người chết chiếm 27-30% tổng số người chết do tai nạn giao thông. Đáng lo ngại là tình hình tai nạn giao thông lại có xu hướng gia tăng ở các trục đường liên thôn, liên xã và thường xuyên xảy ra chết người.

Một vụ tai nạn giao thông ở đường làng.
Một vụ tai nạn giao thông ở đường làng.

Điển hình như vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên tuyến đường liên xã Quảng Thọ - Quảng Phúc (Quảng Trạch) vào 12 giờ ngày 12.3.2013. Vào thời điểm trên, ông Nguyễn Văn Vân (SN 1957) ở thôn Đơn Sa, Quảng Phúc điều khiển xe mô tô BKS 73K9 – 7210 lưu thông từ trong đường nhánh thôn Đơn Sa ra đường liên xã thì đâm vào xe mô tô BKS 73V2-5683, trên xe chở 3 người, do anh Trần Văn Lợi (SN 1998) ở Thọ Đơn, Quảng Thọ, điều khiển. Hậu quả, là ông Vân chết tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, những người còn lại đều bị thương nặng.

Hay như vụ tai nạn trên đường liên xã Quảng Châu – Quảng Hợp, xảy ra ngày 25.5.2013. Anh Đoàn Thanh Dương (SN 1976) ở Quảng Châu, điều khiển xe ô tô 38N-5420 chở đầy gỗ tràm chạy hướng Tây - Đông, do không quan sát đã gây tai nạn giao thông với người đi bộ là Tạ Văn Khương (SN 1981) ở Quảng Châu, hậu quả anh Khương chết ngay tại chỗ. Gần đây vào ngày 1.7.2013, trên địa bàn thôn 6, Hoàn Trạch, Bố Trạch xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, nguyên nhân là do 2 xe mô tô đi sai phần đường, lạng lách đâm vào nhau ở phần tim đường, làm 3 người ngồi trên 2 xe mô tô chết tại chỗ...

Đề cao vai trò của gia đình

Ông Nguyễn Văn Liên – Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Bình cho biết, nguyên nhân gia tăng các vụ tai nạn giao thông ở đường nông thôn là do ý thức chấp hành luật lệ ATGT của một bộ phận người dân vùng nông thôn chưa tốt, nhất là các đối tượng thanh thiếu niên. Có một thực tế có vẻ như là nghịch lý đang xảy ra là, từ khi các tuyến giao thông nông thôn được kiên cố hoá bằng nhựa và bê tông, tai nạn lại tăng cao! Lý giải vấn đề này, ông Liên cho rằng, các khúc cua đường nông thôn thường rất hẹp lại cua gấp, bị che khuất tầm nhìn... Trong khi đó, nhiều người khi tham gia giao thông ở nông thôn thường rất chủ quan, khi vào cua không giảm tốc độ, ra tín hiệu bằng còi, đi lấn phần đường… nên xảy ra tai nạn.

"Có một thực tế có vẻ như nghịch lý đang xảy ra là, từ khi các tuyến giao thông nông thôn được kiên cố hoá bằng nhựa và bê tông, tai nạn lại tăng cao!”.
Ông Nguyễn Văn Liên


Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cảnh báo, là người tham gia giao thông ở các trục đường giao thông nông thôn nên hạn chế tốc độ và đề cao cảnh giác với các tình huống bất ngờ phương tiện từ lối ngõ đi ra và không ôm cua hết phần đường của mình.

Theo ông Liên, biện pháp hạn chế tai nạn giao thông nói chung và tai nạn ở đường nông thôn nói riêng là mọi người dân nên nâng cao ý thức, am hiểu luật khi tham gia giao thông. Để làm được điều này, vai trò của gia đình, các tổ chức đoàn thể ở thôn, xóm… là rất quan trọng. Các gia đình cần nâng cao trách nhiệm của chính ông bà, cha mẹ, anh chị em trong việc quản lý, giáo dục, khuyên răn con em mình, tuyệt đối không giao phương tiện giao thông là mô tô, xe máy cho con em trong gia đình chưa đủ tuổi.

Thông qua các buổi sinh hoạt tại địa phương, các hội đoàn thể cần lồng ghép để tuyên truyền Luật Giao thông cho hội viên của mình.

Thực tế cho thấy, ở gia đình, địa phương nào làm tốt những việc trên thì nơi đó tình hình trật tự ATGT khá tốt. Đơn cử như ở xã Đại Trạch (Bố Trạch), các tổ chức đoàn thể ở đây đã tổ chức tốt các nội dung tuyên truyền Luật Giao thông cho hội viên của mình. Đoàn viên thanh niên đủ 18 tuổi phải có bằng lái xe mô tô, gắn máy. Cán bộ, hội viên, đoàn viên thanh niên khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không uống rượu, bia, đi đúng tốc độ quy định...