Phát biểu khai mạc, đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh: “Nhật ký trong tù” không chỉ có ý nghĩa văn chương sâu sắc, mà là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, đặc biệt từ khi tác phẩm được dịch ra tiếng Việt, phát hành rộng rãi, lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội Việt Nam… Là tập nhật ký bằng thơ, “Nhật ký trong tù” chẳng những là một văn kiện lịch sử vô giá về một giai đoạn hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, mà nó còn là một tác phẩm văn học lớn, là bức chân dung tự họa bằng thơ của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh...
Theo GS Phong Lê, đây là tập thơ ra đời ngẫu nhiên, cho đến nay, hành trình của nguyên tác vẫn còn nhiều chỗ chưa sáng tỏ. Ai giữ hộ tập thơ cho Bác, ai gửi tập thơ về Hà Nội, với khoảng thời gian 17 năm im lặng mới đến với công chúng, chứng tỏ người viết không quá quan tâm đến sản phẩm mình làm ra. Cũng theo GS Phong Lê, tập thơ của Bác không nhằm vào bất cứ đối tượng nào, được viết ra trong hoàn cảnh bị giam giữ, lại mang chất thơ và những giá trị thơ đích thực và là bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh.
GS Đặng Thanh Lê đánh giá tập thơ thể hiện Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà chính khách tầm cỡ thế giới và nhà thơ nổi tiếng, toàn bộ tập thơ sử dụng ngôn ngữ nước ngoài, thể hiện theo phong cách thơ Đường nhưng mang cốt cách dân tộc. GS Trần Đình Sử nhận xét: Với tập “Nhật ký trong tù”, tác giả đã vượt qua nhiều giới hạn: Không gian, giai cấp, là người cộng sản Việt Nam nhưng trong thơ lại bắt gặp các vấn đề chung của dân tộc đau khổ áp bức.