Dân Việt

Kết thúc đại án tham nhũng ở Vinalines: Truy tố đúng người đúng tội

Lương Kết 17/12/2013 06:58 GMT+7
Phải sau hơn 3 tiếng đồng hồ, đúng 17 giờ 40 ngày 16.12, bản án dành cho Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm mới được HĐXX tuyên xong.
Truy tố đúng người đúng tội

Trong phần tuyên án, điểm lại diễn biến phần xét xử, HĐXX cho rằng: Bị cáo Dương Chí Dũng nhận sai phạm trong vụ mua ụ nổi gây thiệt hại cho Nhà nước, còn bị cáo Mai Văn Phúc đổ lý do cho việc mới về nhận công tác chỉ ký vào tờ trình do cấp dưới đưa lên. Bị cáo Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều thừa nhận hành vi phạm tội, còn bị cáo Bùi Thị Bích Loan cho rằng làm đúng quy định kế toán.

Bị cáo Mai Văn Khang không nhận tội, cho rằng trong việc đi khảo sát mua ụ nổi, mình chỉ có vai trò phiên dịch, không báo cáo sai. Các bị cáo Lê Văn Dương – nguyên là đăng kiểm viên và 3 người nguyên là cán bộ hải quan gồm Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng đã làm đúng quy trình trong việc kiểm tra ụ nổi 83M, cũng như việc cho thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam.

Dương Chí Dũng và các bị cáo nghe tòa tuyên án chiều 16.12.
Dương Chí Dũng và các bị cáo nghe tòa tuyên án chiều 16.12.

HĐXX khẳng định: “Việc lập dự án rồi mua ụ nổi về rồi không sử dụng được dù đã đầu tư sửa chữa nhiều là hành vi gây thất thoát khoản tiền lớn cho Nhà nước. Do đó việc truy tố các bị cáo là có căn cứ về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là đúng cơ sở pháp luật”.

Về tội danh tham ô tài sản, HĐXX nhận định: Luật sư Ngô Ngọc Thủy bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng cho rằng không đủ cơ sở để kết tội bị cáo Dũng tham ô tài sản. Khoản tiền hơn 1,66 triệu USD do Công ty AP (Singapore) chuyển về cho Công ty Phú Hà không phải là tài sản của Vinalines vì “tham ô phải là hành vi lấy tài sản mà mình đang có trách nhiệm trông coi, quản lý.

Trong trường hợp này nếu có nhận thì là hối lộ, mà hối lộ phải có người đưa hối lộ”. HĐXX xét thấy khoản tiền 1,66 triệu USD Công ty AP chuyển về Việt Nam dù đã được hợp thức hóa nhưng đó là khoản tiền của Nhà nước, những người được chia chác, hưởng lợi là những người trực tiếp có thẩm quyền trong việc mua ụ nổi 83M là Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều.

Đề nghị điều tra sai phạm của 2 đơn vị

Để xảy ra sai phạm của Vinalines, HĐXX kiến nghị: Trong vụ án này, quá trình điều tra phát hiện hồ sơ vụ án có 9 triệu USD từ việc mua ụ nổi 83M mà Công ty AP có được là vi phạm pháp luật Việt Nam. Ngân hàng Citibank chi nhánh Hà Nội đã chuyển khoản tiền 9 triệu USD gây thất thoát tài sản của Việt Nam.

“Kiến nghị cơ quan CSĐT – Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm của ngân hàng Citibank, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu hình sự phải khởi tố điều tra theo quy định” – thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Ngô Thị Ánh nhận định.

Bộ GTVT – cơ quan quản lý ngành nhưng trong suốt một thời gian dài đã không kiểm tra giám sát để Vinalines triển khai dự án xảy ra nhiều sai phạm, gây hậu quả rất lớn. “Để xảy ra thiệt hại rất lớn là có trách nhiệm của Bộ GTVT, tòa kiến nghị cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ, nếu phát hiện sai phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật” – thẩm phán Ngô Thị Ánh nhấn mạnh.

Tòa cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan là ngành có liên quan đến sai phạm của Vinalines cần phải rà soát, chấn chỉnh trong công tác của mình để tránh xảy ra những sai phạm tương tự.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên án 2 án tử hình dành cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, các bị cáo còn lại đều phải nhận bản án nghiêm khắc so với tội danh của mình (xem box bên).

HĐXX tuyên tịch thu số tiền 3.900USD của Dương Chí Dũng khi bị cáo này bị bắt giữ; 500 triệu đồng của gia đình Trần Hải Sơn nộp; 340 triệu đồng gia đình bị cáo Trần Hữu Chiều nộp; 2 tỷ đồng do bà Trần Thị Hải Hà nộp. Tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành án đối với căn hộ 2910 tòa nhà Skycity ở Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội và căn hộ ở tòa nhà Pacific trên phố Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hai căn hộ này do “bồ nhí” của Dương Chí Dũng đứng tên. Kê biên căn nhà ở ngõ 26 đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, Hà Nội liên quan đến Dương Chí Dũng. Kê biên căn nhà liên quan đến Mai Văn Phúc ở đường Lê Quý Đôn, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Về bồi thường thiệt hại, Dũng và Phúc đều phải bồi thường 10 tỷ đồng tham ô tài sản và 100 tỷ đồng tiền cố ý làm trái, tổng cộng mỗi bị cáo 110 tỷ đồng; Chiều tổng cộng 39,340 tỷ đồng; Sơn 8,27 tỷ đồng; Khang 12 tỷ đồng; Loan 6 tỷ đồng; Dương 15,7 tỷ đồng; Đức, Triện và Lừng 9 tỷ đồng/người.

Bản án của các bị cáo
1. Dương Chí Dũng – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines bị tuyên tử hình về tội Tham ô tài sản. 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là tử hình.
2. Mai Văn Phúc – nguyên TGĐ?Vinalines bị tuyên tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là tử hình.
3.Trần Hữu Chiều – nguyên Phó TGĐ?kiêm Trưởng ban Quản lý dự án của Vinalines: 10 năm tù tội Tham ô tài sản, 9 năm tù về tội Cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt: 19 năm tù.
4.Trần Hải Sơn – nguyên Phó ban Quản lý dự án: 14 năm tù tội Tham ô tài sản, 8 năm tù tội Cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là 22 năm tù.
5.Mai Văn Khang – nguyên thành viên Ban Quản lý dự án bị tuyên án 7 năm tù.
6.Bùi Thị Bích Loan – nguyên Trưởng ban Tài chính: 4 năm tù.
7.Lê Văn Dương – nguyên cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam: 7 năm tù.
8.Huỳnh Hữu Đức – nguyên Phó Chi cục trưởng Hải quan Vân Phong, nguyên Phó Chánh văn phòng Cục Hải quan Khánh Hòa: 8 năm tù.
9.Lê Ngọc Triện - nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong: 8 năm tù.
10. Lê Văn Lừng - nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong 8 năm tù.
Các bị cáo (từ 5 - 10) đều bị kết tội Cố ý làm trái.
NGỌC LƯƠNG

img
Truy tố Nguyễn Đức Kiên cùng các đồng phạm
img
Dương Chí Dũng đứng lặng như tượng nghe lĩnh án tử hình