Đêm khai mạc Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ do Hội Sân khấu điện ảnh, Cục nghệ thuật Biểu diễn tổ chức đã chính thức bắt đầu bằng vở kịch “Ông không phải bố tôi” do Nhà hát kịch Hà Nội dàn dựng diễn ra tối ngày 9.9 tại rạp Công nhân, Hà Nội.
“Ông không phải là bố tôi” là một vở kịch phản ánh thực tế xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới ở thế kỷ trước kéo theo luân thường đạo lý xã hội đổi thay. Nội dung câu chuyện khá đơn giản: một người cha không dám nhận vợ con vì những khắc nghiệt của miền Bắc sau 1954.
Một người con nhận cha rồi lại không nhận - khi phát hiện bố mình cũng chỉ là “phế phẩm” suốt một thời. Một ông cán bộ tuyên huấn, chuyên rao giảng những điều vá trời lấp bể - để rồi cuối cùng ngộ ra: ngồi vót tăm tre là việc hữu ích nhất mà mình mang lại cho cuộc đời.
Ngần ấy nhân vật, cùng những lời thoại gay gắt và trực diện, lại hội tụ một thông điệp rất rõ ràng của nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ về sự ích kỷ, về những gì cứng nhắc, giáo điều đi ngược lại với đạo đức và tình cảm thiêng liêng từ ngàn đời…
Dường như kịch của Lưu Quang Vũ luôn có tính thời sự, nóng hổi trong mỗi câu chuyện dù ở bất cứ thời đại nào. Những triết lý sâu sắc, sự đúc kết hài hước nhưng hết sức châm biếm, đến sự hài hước dí dỏm trong từng câu chữ của vở kịch đã nhận được những tràng pháo tay không dứt của khán giả.
Chia sẻ sau khi xem xong vở kịch “Ông không phải bố tôi”, chị Nguyễn Văn Tám ở KĐT Đồng Tàu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội nói: “Lần đầu tiên tôi đi xem kịch Lưu Quang Vũ và thật bất ngờ, vở kịch quá hay, quá xúc động, tôi mấy lần bật khóc, đặc biệt là vì tiếng kêu thống thiết của người con trai “Bố mẹ sinh con ra, thì hãy để con sống cho ra con người”.
Đại diện cho thế hệ trẻ, Lương Hồng Giang, 19 tuổi ở khu tập thể
mầm non Hoa Hồng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tâm sự: “Đây là lần đầu tiên
cháu đi xem kịch của bác Lưu Quang Vũ nhưng quả thật cháu cực kỳ ấn tượng và
thích thú.
Khi được ngồi trực tiếp giao lưu với diễn viên, với sân khấu, cháu có thể xem, nghe, một cách trọn vẹn. Điều đó khiến cảm xúc của cháu dâng trào mạnh mẽ, bởi những lời thoại, những hành động của nhân vật”.