Đồng thời, cần đưa ra những số liệu cụ thể về những thay đổi đa dạng sinh học; tiếp tục tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; khuyến khích kêu gọi đầu tư, xây dựng phần mềm quản lý các loài động thực vật; cần có định hướng nghiên cứu kết hợp giữa bảo tồn và phát triển nhân lực phục vụ du lịch sinh thái.
Người dân đánh bắt cá trên kênh rạch ở Vườn quốc gia Tràm Chim.
Vườn quốc gia Tràm Chim cũng phải có những chính sách, đề án phát triển dân cư vùng đệm nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân, giảm tình trạng xâm nhập khai thác trái phép tài nguyên, săn bắt các loài động vật hoang dã...
Hiện nay, Vườn quốc gia Tràm Chim có 130 loài thực vật bậc cao, với 6 kiểu quần xã thực vật, hơn 370 loài thủy sinh vật. Hệ động vật có 231 loài chim nước thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó có 32 loài thuộc dạng quý hiếm cần được bảo tồn. Theo kế hoạch từ năm 2014 - 2020, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ xây dựng bảng danh mục các loài động thực vật quý hiếm; quy hoạch đầu tư vườn sưu tập thực vật; xây dựng đề án bảo tồn và phát triển sinh vật...
Đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt quy hoạch và đầu tư hơn 31 tỷ đồng cho công tác giám sát chế độ ngập nước và phòng cháy rừng ở Vườn quốc gia Tràm Chim. Việc quy hoạch và đầu tư này nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2013-2020.
Theo đó, Vườn quốc gia Tràm Chim thiết lập một cơ chế kỹ thuật về quản lý chế độ ngập nước ở các phân khu chức năng để đáp ứng các mục tiêu bảo tồn các sinh cảnh đất ngập nước và các loài động, thực vật quý hiếm; đồng thời góp phần giảm thiểu điều kiện gây cháy rừng và đồng cỏ trong mùa khô.