Nói rằng “lại bàn” bởi lẽ, cách đây 2 năm, tháng 10.2011đã từng có cuộc họp “thượng đỉnh” 13 tỉnh cùng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, Trường ĐH Cần Thơ, các bộ, ngành hữu quan bàn rất rôm rả về tính cấp thiết phải liên kết vùng để phát triển từng tỉnh cũng như cả vùng ĐBSCL. Hội nghị đi tới thống nhất liên kết trong 5 lĩnh vực: Phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo; Phát triển sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả.
Phát triển sản xuất và tiêu thụ cá da trơn, tôm; Đào tạo nghề; Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù. Có những nội dung liên kết được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu rất rõ ràng, như mỗi năm lai tạo 50-100 tổ hợp; 5 năm chọn tạo 5-10 giống lúa quốc gia cho năng suất 7–8 tấn/vụ/ha; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng 5-10 thương hiệu lúa gạo chất lượng cao; đến năm 2015 có 40-50% số nông dân truy cập mạng phục vụ sản xuất và tiêu thụ; khuyến khích, hỗ trợ ít nhất 50% số người trồng lúa tham gia hình thức liên kết “4 nhà”...
Tại hội nghị vừa rồi, cũng lãnh đạo 13 tỉnh và đại diện
Chính phủ, các bộ, ban ngành lại đưa ra đề án liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn
2013-2020 trình Thủ tướng phê duyệt với thống nhất cao 5 lĩnh vực: Phát triển
hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ chống lũ; Sản xuất chế biến tiêu thụ các
sản phẩm chủ lực lúa gạo, trái cây, tôm, cá da trơn; Phát triển giáo dục - y tế
- văn hóa; Bảo vệ môi trường, Phát triển nguồn nhân lực. Đề án này là tiếp nối,
là chồng lên hay hoàn toàn độc lập với chương trình liên kết được thống nhất
năm 2011?
Từ những năm 90 thế kỷ trước, mỗi lần về ĐBSCL làm việc, Thủ
tướng Võ Văn Kiệt thường nhấn mạnh đến sự cần thiết phải liên kết vùng để phát
triển, lấy Cần Thơ làm trung tâm. Cũng từ tư duy liên kết, Cần Thơ được đầu tư
mở rộng sân bay, bến cảng, lập các trường đại học, phát triển các viện nghiên
cứu khoa học nông nghiệp, các khu công nghiệp chế biến nông sản…và gần như hầu
hết các cơ quan báo chí cả nước đều đặt đại diện ở đây. Vậy mà đến nay, các địa
phương vẫn than phiền liên kết vùng chưa có do “thiếu cơ chế pháp lý”, “thiếu
mô hình chỉ đạo, điều phối”. Đã mấy đời thủ tướng, bao lớp bí thư tỉnh ủy, chủ
tịch tỉnh qua đi, vậy mà sợi dây liên kết vùng vẫn không có để nông dân ĐBSCL
vẫn mang tiếng sản xuất manh mún và chịu thiệt trăm bề. Để đến bây giờ câu
chuyện lúa gạo và thủy sản- 2 thế mạnh nhất của ĐBSCL rơi vào bế tắc đang đe
dọa không chỉ sự phát triển của vùng nữa mà ảnh hưởng xấu đến sự phát triển
chung của cả nước.
Đừng nói nhiều, đừng họp nhiều, đừng đẻ nhiều dự án mà hãy bắt tay vào hành động đi! Yêu cầu này đã được đặt ra gay gắt ở nhiều nơi, nhiều lúc trên mọi lĩnh vực. Tại hội nghị giữa tháng 7,Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định: Thời gian qua ở ĐBSCL đã manh nha liên kết ở một vài lĩnh vực. Vậy 2 năm qua các tỉnh đã làm gì sau thống nhất chung thực hiện chương trình liên kết 2011? Liệu sự thống nhất cao lần này có biến thành hành động cụ thể?