Dân Việt

Đề xuất 2 phương án tổ chức chính quyền địa phương

Hải Phong 20/08/2013 06:34 GMT+7
Ngày 19.8, Trung tâm Thông tin- Thư viện- Nghiên cứu khoa học (Văn phòng Quốc hội) công bố đề tài nghiên cứu về tồ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Lam - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, 27% cán bộ khi được đoàn nghiên cứu hỏi đã đánh giá sự phân quyền hiện nay chưa hợp lý, nhiều bất cập. Điển hình nhất là việc phân cấp, phân quyền vẫn chủ yếu “từ trên xuống” chứ chưa phải “từ dưới lên” nên chưa tạo sự chủ động cần thiết cho các cấp địa phương; đồng thời làm cho chính quyền trung ương quá tải, khó kiểm soát, dễ dẫn tới tham nhũng.

Nhóm nghiên cứu đề xuất chính quyền địa phương được hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền do luật định. Chính quyền địa phương có nguồn thu và được bổ sung nguồn thu từ ngân sách trung ương phù hợp theo luật định để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Nhóm nghiên cứu cho rằng HĐND cần được đổi mới theo hướng  có vị thế hơn (ảnh minh họa).
Nhóm nghiên cứu cho rằng HĐND cần được đổi mới theo hướng có vị thế hơn (ảnh minh họa).

Nghiên cứu được tiến hành ở 5 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Nam Định, Ninh Thuận, Vĩnh Long, TP.HCM) cho thấy vẫn cần có mô hình chính quyền địa phương được tổ chức theo 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đối với các đơn vị hành chính lãnh thổ có đặc tính nông thôn. Đặc biệt chỉ có 9,7% cán bộ, công chức khi được hỏi cho rằng nên tổ chức HĐND ở cấp huyện. Nhóm nghiên cứu đưa ra 2 phương án tổ chức chính quyền địa phương.

Phương án thứ nhất, để phân biệt chính quyền đô thị với chính quyền nông thôn thì ở các tỉnh, chính quyền địa phương có 3 cấp, trong đó mỗi cấp có HĐND và cơ quan hành chính. Ở các thành phố lớn trực thuộc T.Ư có cả quận và huyện thì không thiết lập HĐND ở quận nhưng vẫn cần thiết lập HĐND huyện và xã, phường. Người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã, thị trưởng thành phố/thị xã do người dân bầu trực tiếp. Theo phương án thứ hai, việc thành lập chính quyền địa phương các cấp do luật định.

Để đáp ứng được nhu cầu phát triển, nguyện vọng của người dân..., theo nhóm nghiên cứu, HĐND cần được đổi mới theo hướng có vị thế để quyết định một cách thực chất những vấn đề chiến lược của địa phương, thực hiện vai trò giám sát hiệu quả và thực chất đối với hoạt động của cơ quan hành chính cùng cấp. Đồng thời giảm việc kiêm nhiệm của đại biểu HĐND, tăng số đại biểu chuyên trách.