Dân Việt

Con anh, con tôi, con chúng ta

05/10/2013 11:35 GMT+7
Họ là một đôi rổ rá cạp lại. Tiến đã ly dị vợ, hiện đang nuôi một cậu con trai tám tuổi. Phượng góa chồng, cô có hai con gái, đứa lớn bằng tuổi con trai của Tiến, đứa nhỏ vừa lên năm.
Buổi sáng công viên nắng nhẹ, gió tháng chạp liu riu xào xạc ngọn cây. Ba đứa trẻ đang xoay quanh chỗ mấy con thú mười hai con giáp bằng đá ngộ nghĩnh đầy màu sắc. Cô em gái đang giành leo lên con gà với chị. Nó đứng giậm chân chực khóc. Cậu con trai gần đó ra vẻ người lớn lại gần dỗ dành: “Sao em giành của chị. Em tuổi con gì?”, câu hỏi xem ra chẳng ăn nhập gì với hoàn cảnh, cô chị trả lời thay em: “Nó tuổi con chuột đó”. “Vậy thì em cưỡi con chuột nhé”. Bấy giờ cô em mới lên tiếng ấm ức: “Nhưng mà chị hai tuổi con chó chứ đâu phải con gà”.
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Cô chị có lẽ muốn chiều em, liền nhảy phóc xuống sang chỗ con chó. Cậu con trai sau khi giúp bế cô em leo lên lưng con chuột, nó đứng nhìn hai chị em. Cô em thấy thế hỏi: “Vậy anh tuổi con gì sao không leo lên mà cưỡi?”. Anh cũng tuổi con chó nhưng chỉ có một con chó thôi. Thôi để anh cưỡi đỡ con heo”. Ba đứa trẻ cứ thế quấn quýt chơi đùa với nhau như đã thân thiết từ lâu. Thỉnh thoảng chúng lại cười nắc nẻ. Ngồi trên băng đá quan sát những đứa con bé bỏng của mình, cả Tiến và Phượng đều có chung một cảm giác buồn vui lẫn lộn.

Không ai nói ra nhưng cả hai đều thấy chạnh lòng ước mơ về một mái gia đình trọn vẹn cho con trẻ. Những cuộc hẹn hò của ba đứa trẻ đã kéo theo sự gặp gỡ định mệnh của hai người lớn. Sự đồng cảm vì có chung một hoàn cảnh, một nỗi niềm là chất xúc tác dẫn đến tình yêu của hai mảnh đời không còn tròn trịa. Họ đến với nhau như một sự tiếp sức mà mỗi người cần thiết trên đường đua cuộc đời.

Nhưng cuộc đời lại không thẳng tắp và bằng phẳng như đường đua. Hồi mới quen, họ dành cho nhau sự chăm sóc ân cần, không toan tính. Ngày lễ tết, ngày 8/3, ngôi nhà toàn phụ nữ ấy ngập tràn hoa hồng, búp bê và sô-cô-la. Căn bếp của hai người “đàn ông” vụng về từ đó cũng luôn ấm áp. Cuối cùng họ quyết định chọn nhà anh làm ngôi nhà chung. Hai vợ chồng cùng ba đứa con có trai, có gái với thu nhập kinh tế thuộc hàng trung lưu cũng có thể gọi là một gia đình hạnh phúc, giá như…

Câu chuyện bắt đầu bằng những việc nhỏ nhặt: việc ăn uống. Cô con gái của chị mặc dù đã năm tuổi nhưng vẫn còn bú sữa bình. Cứ độ năm ngày đã hết một hộp sữa gần năm trăm nghìn đồng. Đầu tiên, Tiến muốn tập cho con bé uống sữa bằng ly cho mẹ đỡ vất vả. Sau đó, anh đề nghị chuyển hẳn sang uống sữa hộp giấy như anh chị nó cho đỡ tốn kém. Phượng xót con nhưng cũng muốn chiều chồng. Được cái con bé hiểu chuyện nên cũng nghe lời.

Kế đến là chuyện học hành, mặc dù học cùng cấp lớp nhưng từ bé, con trai của Tiến đã học trường quốc tế, còn con bé lớn của Phượng học bán trú trường công lập. Nghĩ như vậy là không không bằng, Phượng đề nghị Tiến chuyển con trai sang học chung trường với con gái, vừa đỡ tốn kém vừa tiện đưa đón… Tiến không đồng ý, vì cho rằng chương trình học hai bên khác nhau, sẽ rất bất tiện cho con trai. Sau một hồi lời qua tiếng lại, Phượng ấm ức nhượng bộ, nhưng trong lòng đã gợn lên suy nghĩ về sự không công bằng.

Sau chuyện ăn học là chuyện ở, chuyện sinh hoạt. Vì đây là nhà của Tiến nên phòng của con trai anh là phòng có sẵn, thoáng mát, đầy đủ tiện nghi. Trong khi, phòng của hai cô con gái là phòng cải tạo từ một phần lấn ra không gian bên ngoài nên không được rộng rãi cho lắm, lại phải ở hai đứa. Phượng đề nghị hai vợ chồng sang bên đó ngủ để dành phòng lớn cho hai cô con gái.

Tiến không đồng ý, anh nói “anh đã quen ở đây rồi”. Phượng giận dỗi: “hay là anh muốn giữ hơi người cũ”. Thế là anh nổi khùng lên. Phượng lại nhượng bộ nhưng trong đầu thoáng chút hờn ghen. Từ đó trong mắt chị, lúc nào hai cô con gái cũng đáng thương và tội nghiệp. Bất cứ lời nói cử chỉ nào của Tiến đối với chúng, chị cũng để ý xét nét, thỉnh thoảng không kìm được chị lại bóng gió xa xôi. Tiến không trả lời thì chị cho rằng nói trúng tim đen còn phân bua thì chị bảo có tật giật mình. Chị ngấm ngầm không cho con trai anh chơi chung với hai cô con gái. Chị bảo “cẩn thận vẫn hơn, ai biết đấy là đâu”. Anh lắc đầu ngao ngán: “Đến chuyện ấy mà em cũng nghĩ ra”.
img
Khi đứa con chung ra đời, chị viện lý do con trai không biết bế sẽ làm em té, không biết nựng sẽ làm em đau… để không cho anh chơi với em. Chị còn nói mát mẻ “anh Tí về bên kia nói mẹ đẻ em cho mà bế nhé… em này là mẹ của Na đẻ, là em của Na nhé…”. Nghe con trai vừa kể vừa rơm rớm nước mắt, Tiến xót con mắng vợ thì chị lu loa: “bênh con chửi vợ…”.

Con thuyền đắm từ những lỗ mọt nhỏ. “Con thuyền” của Tiến và Phượng cũng đang đứng trước nguy cơ tan vỡ từ những chuyện vặt vãnh, nếu họ không sớm điều chỉnh, thật khó để gia đình vững vàng trước sóng gió.
Chia sẻ của người trong cuộc

- Năm hai mươi bốn tuổi, tôi yêu và lấy chồng tôi bây giờ, khi ấy anh vừa ly dị vợ được hai năm và đang nuôi một con gái nhỏ. Đây là nguyên nhân khiến gia đình tôi quyết liệt phản đối cũng vì sợ cảnh con riêng con chung. Nhưng tôi trót yêu anh và cũng cảm nhận được anh rất yêu tôi, tôi đánh liều cá cược với số phận. Nhưng thật may mắn số phận đã mỉm cười với tôi. Sau ba năm chung sống, tôi sinh con đầu lòng, một bé trai kháu khỉnh. Với anh đây là đứa con thứ hai. Con gái lớn suốt ngày lăng xăng giúp mẹ (con gái anh gọi tôi là mẹ) chăm em. Căn nhà nhỏ càng thêm tiếng cười rộn rã. Chúng tôi có một gia đình hạnh phúc như ngày nay phần lớn nhờ công anh vun đắp. Phần tôi, vì thương chồng nên thương cả con chồng. Tôi nghiệm ra rằng mình cho đi cái gì ắt sẽ nhận lại được cái ấy. Khi mang thai, mỗi ngày tôi đều bảo con gái sờ bụng mình và nói chuyện với em. Tôi cắt nghĩa cho nó biết “em bé trong bụng mẹ và con, cả hai đều mang chung dòng máu của ba”. Chúng tôi lấy tình thương yêu làm nền tảng để cư xử với nhau.
Bây giờ, ai không biết chuyện, khi nhìn vào sẽ không biết được hai đứa là con chung con riêng. Ngọc Lan (Q7, TP.HCM)

- Vợ tôi qua đời bỏ lại cho tôi đứa con trai nhỏ. Tôi bước thêm bước nữa với một người mẹ đơn thân cũng đang nuôi một cậu con trai lên chín. Những tưởng có người đàn bà trong nhà thì bếp lửa sẽ thôi lạnh lẽo, tôi sẽ đỡ vất vả với những công việc vặt vãnh thường ngày mà toàn tâm toàn ý lo kiếm tiền. Không ngờ cô ấy là một người có trái tim rất chật chội, đấu óc thì toan tính chi li. Cô ấy suốt ngày than thân trách phận, ca cẩm đủ thứ chuyện mà chung quy là do thu nhập của cô ấy nhiều hơn tôi nên trong chuyện “hùn vốn” này cô ấy thấy mình bị thiệt. Với con trai tôi, cô ấy đối xử phân biệt rõ rệt không cần nể mặt tôi. Cô ấy áp những suy nghĩ của cô ấy vào cho thằng con riêng của cô ấy. Thằng bé dựa vào mẹ luôn kiếm chuyện gây gổ, tranh giành đồ chơi với con tôi. Cô ấy bênh con, có hôm tát thằng bé nhà tôi hằn cả mấy dấu ngón tay trên má. Tôi đã cố nhịn cho yên nhà yên cửa nhưng xem ra càng nhịn cô ấy càng lấn tới. Có lẽ tôi phải tính đến chuyện chia tay trước khi có con chung với nhau.Thành Chung (TP. Cần thơ)

- Trước khi lấy chồng tôi hiện giờ, tôi đã qua một lần đò và có một cô con gái năm nay bảy tuổi. Chồng tôi khi lấy tôi cũng có một con trai riêng trạc tuổi con gái tôi, với người vợ trước. Anh là một người đàn ông rất thương con. Đó chính là lý do tôi lấy anh và cũng vì lý do ấy mà tôi khổ sở. Vì quá thương con, trong đầu anh luôn luôn bị ám ảnh cảnh mẹ ghẻ con chồng. Anh luôn có thái độ cảnh giác, sợ tôi ăn hiếp con anh, sợ con tôi đánh con anh. Trong khi anh luôn quát nạt con tôi mỗi khi nó làm gì không vừa ý anh. Anh luôn để ý con bé như canh chừng chỉ chực con bé làm gì sai là anh la mắng. Đến nỗi, mỗi khi có anh ở nhà là con gái tôi lấm lét, ở đâu ngồi yên đấy không dám ho he. Tôi càng thương con càng ân hận vì đã lỡ đi thêm bước nữa…lamluyen1972@...