Dân Việt

“Đa phần chỉ làm qua loa, hình thức!”

01/10/2012 13:22 GMT+7
(Dân Việt) - GS-TSKH Phạm Hồng Giang - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên quanh câu chuyện về động đất tại Thủy điện Sông Tranh 2.

Hành động triệt để để an dân

GS-TSKH Phạm Hồng Giang cho rằng: Câu chuyện Thủy điện Sông Tranh 2 (TĐST 2) ở Bắc Trà My, Quảng Nam, đã khiến chúng ta phải đặt ra nhiều câu hỏi để cùng suy ngẫm và tìm lời giải. Các vấn đề của TĐST 2 đang có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng, lúc đầu chỉ từ lỗi thiết kế, thi công, kỹ thuật, chất lượng của vật liệu gây rò rỉ nước, sạt lở mái…, nhưng bây giờ lại thêm cả vấn đề động đất. Lúc này, việc cần làm là chúng ta phải xem lại một cách cẩn thận báo cáo chủ đầu tư xem họ đã đánh giá đúng, đầy đủ toàn diện hay chưa?

img
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem sơ đồ đường hầm Thuỷ điện Sông Tranh 2.

Sau những sự cố trên, hiện nay phía EVN cho rằng đập TĐST 2 đã an toàn và có thể tích nước trở lại. Ông nghĩ gì về kết luận này?

Tôi cho rằng không thể nói an toàn một cách đơn giản như thế trong khi còn có quá nhiều câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ. Chỉ riêng về động đất, chúng ta chưa thể biết trận động đất cực đại sắp tới sẽ như thế nào, nhà đầu tư đã tính toán kỹ lưỡng chưa, có những phương án để đối phó một cách hợp lý chưa? Do đó, theo tôi vào lúc này chưa nên đặt vấn đề tích nước TĐST 2. Thiết nghĩ, việc trước mắt là phải tính toán và đảm bảo tối đa cho sự an toàn của người dân ở Bắc Trà My, những người hàng ngày vẫn phải sống trong nơm nớp lo sợ. Chúng ta phải làm những hành động thiết thực và triệt để để an dân trước đã!

Theo giáo sư, những sự cố vừa qua, đặc biệt là những trận động đất liên tiếp ảnh hưởng ra sao tới TĐST 2?

- Bất cứ một sự cố nào liên quan đến động đất cũng đe dọa tính an toàn của đập thủy điện. Đặc biệt, đối với những công trình thủy điện lớn thì động đất là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn, thậm chí có thể gây ra thảm họa. Để biết những trận động đất vừa qua có ảnh hưởng tới đập TĐST 2 hay không, các nhà chuyên môn phải quan tâm và đánh giá đầy đủ, sát sao. Cá nhân tôi rất lo lắng về điều này. Vì thế, mong cơ quan chức năng theo dõi nghiêm ngặt trước những rung chấn tiếp theo có thể xảy ra tại đây để có các phương án bảo đảm bảo an toàn cho người dân.

Thông thường, đập thủy điện nào cũng có liên quan đến sự đứt gãy kiến tạo, bởi vì có đứt gãy thì mới tạo nên địa hình có các dòng sông. Vấn đề là chủ đầu tư đánh giá về sự đứt gãy đã chuẩn xác, chi tiết chưa. Điều này rất quan trọng vì trước khi xây dựng móng công trình, anh phải xử lý các đứt gãy đó đúng và trúng với hiện trạng của nó. Về những sự cố đã và đang xảy ra với TĐST 2, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra như tôi đã đề cập. Tuy nhiên, với cách làm như hiện nay, tôi thấy chúng ta chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng nào.

“Bác sĩ nha khoa chẩn đoán bệnh tim”

Là một người lâu năm trong ngành, theo ông, trong bản Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các công trình thủy điện, nội dung đánh giá động đất mang ý nghĩa ra sao?

- Đương nhiên là hết sức quan trọng bởi như tôi đã nói ở trên, thủy điện nào cũng nằm trên vùng kiến tạo đứt gãy và những vùng địa chất này hoàn toàn có thể xảy ra động đất. Do đó, đánh giá về động đất phải được làm một cách kỹ lưỡng và thực sự nghiêm túc.

Người lập báo cáo phải tìm hiểu rất kỹ những tư liệu và thông số khảo sát về địa chấn, để rồi trên cơ sở những tư liệu đó, họ sẽ đưa ra những phương án, giải pháp phù hợp cho thiết kế để đảm bảo độ an toàn cao nhất cho công trình. Thường thì, trong các bản ĐTM, phần đánh giá tác động của động đất và cả động đất kích thích cần được làm rõ ràng, tỉ mỉ, phải có sự phân tích của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này, sau đó mới có thể đưa ra những kết luận chính xác và sâu sắc được.

Ông nghĩ sao về trường hợp ĐTM của TĐST 2, phần báo cáo về động đất lại cóp nhặt từ báo cáo phân tích của một chuyên gia về địa lý sinh vật?

- (Cười) Tôi nghĩ điều đó hơi trái khoáy. Nó không khác gì chuyện chúng ta mời một bác sĩ nha khoa đi chẩn đoán về tim cả!

Nhìn rộng hơn, ông đánh giá thế nào về thực trạng việc xây dựng các bản ĐTM của các công trình thủy điện hiện nay?

- Theo những gì tôi biết được cũng như được chứng kiến thì nhiều khi chủ đầu tư coi nhẹ ý nghĩa của bản ĐTM, coi công việc này là hình thức, cho đủ bộ hồ sơ nên chỉ làm qua loa, chuyện cóp nhặt của các loại báo cáo khác cũng không phải là hiếm. Thú thực là tôi ít thấy các bản ĐTM được làm một cách nghiêm túc. Đa phần các bản báo cáo được lập theo kiểu một chiều, tức là giao cho một đơn vị tư vấn nào đó xây dựng, không có đơn vị phản biện, không mời chuyên gia đánh giá. Hội đồng thẩm định nhiều khi chỉ là hình thức, nghe đơn vị báo cáo rồi thông qua luôn mà không cần phải đánh giá, phản biện làm gì. Tóm lại, vẫn chỉ là làm qua loa, hình thức.

Đúng ra, cần phải có một đội tư vấn độc lập với những người thật sự am hiểu mới có thể đánh giá chính xác và khách quan. Đồng thời, phải có một đơn vị độc lập để phản biện báo cáo đó. Như vậy thì hội đồng thẩm định của các cơ quan nhà nước mới có căn cứ để phân tích và quyết định thông qua hay không.

Xin cảm ơn giáo sư!