Dân Việt

“Cây gậy” của Chính phủ

Đào Tuấn 31/07/2013 06:49 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành một chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động.
Các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định pháp luật; sử dụng đất sai quy hoạch, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định sẽ phải bị thu hồi. Những cán bộ, lao động có hành vi không tiết kiệm, gây lãng phí sẽ bị miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Những trường hợp trả lương, thưởng không đúng đối tượng, không gắn với năng suất lao động và kết quả sản xuất kinh doanh sẽ bị xử lý kiên quyết… Không nói cũng biết, dư luận ngay lập tức đã tán đồng với chỉ thị mang tính chất “cây gậy” này như thế nào, bởi tình trạng lãng phí từ kỳ họp Quốc hội này đến kỳ họp khác, liên tục được nhắc tới trên nghị trường hoặc như một “kẻ thù nội xâm”, hoặc liền kèm với tính chất “vô tội vạ” và từ lâu đã trở thành một loại “bức xúc xã hội”.

Tháng 10.2012, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến đã có một bài phát biểu cực kỳ thẳng thắn về lãng phí, như một thứ mà ông gọi là “quốc nạn”. Từ “hàng trăm nghìn luận án tiến sĩ, đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp nhà nước đóng bìa cứng hoành tráng, xếp ngăn nắp như vật trang trí trong các viện nghiên cứu nhưng chưa đầy 1/3 kết quả được áp dụng vào thực tế”, cho đến “bao nhiêu xi măng sắt thép đang nằm ế ẩm dãi dầu trong các kho bãi chờ lưu thông, rồi đất sản xuất bị hoang hóa nhiều năm nay. Hàng trăm ngàn tỷ lẽ ra được sinh sôi từ đất thì lại lãng phí chôn vùi ở trong đất”.

Hôm nay, ngay bên cạnh bản tin chỉ thị của Thủ tướng được ban hành, người dân có thể nhìn thấy lãng phí ngổn ngang khắp nơi. Ở thủ đô, một sân vận động cấp huyện với chi phí 200 tỷ đồng chỉ để các sở, ngành giao lưu vài buổi mỗi năm. Ở đầu tàu kinh tế TP. HCM, một cảng biển ngàn tỷ “đắp chiếu” vì đầu tư thiếu đồng bộ. Một cảng khác, cũng là loại cảng ngàn tỷ, thì phải đi đò để vào. Ở tỉnh miệt biển Cà Mau, cảng biển trăm tỷ Năm Căn đìu hiu, hoang phế, không một bóng tàu…

Từ gần 10 năm trước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được ban hành trong sự kỳ vọng của dư luận như một cây gậy đối với những hành vi về sự nghiêm trọng, chẳng mấy thua kém quốc nạn tham nhũng. Nhưng từ bấy, như đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nói “lãng phí chỉ được xem là khuyết điểm... Hầu như chưa có ai bị đưa ra xét xử vì hành vi lãng phí”.

Vấn đề hóa ra không phải ở “cây gậy”, mà là tư duy của “người cầm gậy”.

Vì vậy, với chỉ thị tăng cường chống lãng phí của Thủ tướng vừa ban hành, người dân một lần nữa kỳ vọng nó không chỉ có ý nghĩa như là một cây gậy, mà còn thể hiện thái độ cương quyết của “người cầm gậy” với những địa chỉ của lãng phí mà bằng mắt thường, người dân có thể nhìn thấy hàng ngày.