Dân Việt

Đắng lòng gia cảnh nghèo khó của cô gái nhảy cầu tự vẫn

Nguyên Trương (Dòng Đời) 14/09/2013 19:04 GMT+7
Nghỉ học giữa chừng vì nhà nghèo, đồng lương công nhân ít ỏi không đủ lo cho cuộc sống bản thân và phụ cha mẹ nuôi các em ăn học, My đã tự tìm đến cái chết như là một sự giải thoát.
Nhưng My không nghĩ được rằng, sự ra đi của em không làm cuộc sống của gia đình khấm khá hơn lên mà trái lại cái nghèo vẫn chưa qua thì nỗi đau mất người lại ập tới.
Anh Nga và chị Mười đang khóc ngất trước sự ra đi đột ngột của con gái
Anh Nga và chị Mười đang khóc ngất trước sự ra đi đột ngột của con gái
Căn nhà "thảm" nhất vùng

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Nga (SN 1971) và chị Nguyễn Thị Mười (SN 1969) ở làng Triêm Nam, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam khi gia đình đang chìm trong tang tóc và đau thương. Em Nguyễn Thị Kiều My (SN 1995), con gái đầu của anh chị vừa ra đi ở cái tuổi đẹp nhất của đời người.

Ở vùng quê Triêm Nam này, gia đình anh Nga và chị Mười - cha mẹ của em Nguyễn Thị Kiều My - nạn nhân trong vụ nhảy cầu tự tử vừa qua - là một trong những hộ nghèo nhất với 5 thành viên. Đến viếng con anh chị Nga-Mười, nhiều người không khỏi cám cảnh, xót thương không chỉ vì người ra đi mà còn bởi gia cảnh của những người ở lại.
Bàn thờ và di ảnh của My rất sơ sài
Bàn thờ và di ảnh của My rất sơ sài
Căn nhà dựng bằng tre, tường được chắn bằng những vỏ bao xi-măng cũ, dán sơ sài lên vách bằng tre. Nền nhà bằng đất gồ ghề, chỗ lồi, chỗ lõm. Trong nhà không hề có một tài sản nào đáng giá ngoài cái giường to, chiếm gần hết diện tích căn nhà, là nơi nghỉ lưng của 5 người, sau ngày lao động mệt mỏi.

Anh chị có với nhau 3 đứa con, chúng không may mắn như những đứa trẻ khác trong xóm, 3 chị em phải học chung 1 cái bàn được họ hàng cho chứ không có nổi một góc học tập tươm tất. Cả nhà cũng không có nổi lấy cái tủ đựng quần áo, tất cả quần áo của gia đình đều được bỏ vào những bao đựng lúa to và để dưới nền đất.
Cả gia đình tá túc trong túp liều tranh rách nát
Cả gia đình tá túc trong túp liều tranh rách nát
Nay Kiều My đã mất đi, vắng đi một người trong căn nhà chật, cảm giác trống trải đến não lòng. Sát cạnh là nhà mẹ anh Nga, cũng là ngôi nhà xiêu vẹo được xây hơn 50 năm, đang muốn ngã đổ, không cửa nẻo, trống hoác. Nhìn cảnh nhà nghèo khó tột cùng như vậy, ai cũng xót xa, cảm thông cho nỗi đau của đôi vợ chồng nghèo mất con.

Nhọc nhằn con đường mưu sinh

Vì quá nghèo khổ, lo đủ miếng đã khó huống chi việc học hành của 3 đứa con nên My phải nghỉ học, làm công nhân trong khu công nghiệp, để bớt phần nào gánh nặng cho cha mẹ và chăm lo cho 2 em. Đứa em nhỏ nhất năm nay học lớp 3. Đứa giữa lớp 8, bám lấy con chữ bao năm nhưng rồi cũng như cô chị, gác bỏ ước mơ tới trường.

Chị Mười nghẹn ngào kể: “Nhà nghèo, thương cha mẹ nên My nghỉ học sớm (lớp 11). Khi đó, vợ chồng tôi không đồng ý nhưng nó khăng khăng đòi nghỉ học để lo phụ ba mẹ. Nó bảo, con có đi học rồi ba mẹ cũng không có tiền để cho con học lên nữa. Con nghỉ sớm để ba mẹ bớt gánh nặng. Vợ chồng tôi đành chiều theo ý nó”.

Mảnh đất quê hương không nuôi sống gia đình, anh chị Nga đã có thời gian đi làm ăn xa xứ, để lại hai cháu nhỏ cho bà nội ở nhà chăm lo. Với bản tính cần cù, chịu khó, anh chị nuôi hy vọng sẽ thoát khỏi vũng lầy tăm tối của sự nghèo đói, thoát khỏi cảnh cơm ăn không no, áo mặc không ấm. Bước chân vào Sài Gòn, đông nghịt đến choáng ngợp, nhiều thứ khiến anh chị phải bỡ ngỡ.

Không bằng cấp, không vốn liếng cũng không có kinh nghiệm làm ăn xa, đụng nghề gì, anh chị làm nghề ấy, dù cho cực nhọc đến mấy, miễn sao là đồng tiền trong sạch. Ròng rã với đủ nghề mưu sinh, từ phụ hồ, bán trái cây, rau củ… Nhưng sinh hoạt ở Sài Gòn quá đắt đỏ, đồng tiền làm ra lại khó khăn, ít ỏi, chỉ tính chi phí tiền trọ, ăn uống thì số tiền kiếm được cũng gần hết, phần phải lo các con và mẹ già ở quê.
Bà nội My đang lo lắng vì căng nhà sắp sập
Bà nội My đang lo lắng vì căng nhà sắp sập
Suốt 6 năm trời ròng rã, vợ chồng anh lại vỡ kế hoạch, đứa con út chào đời, cũng là niềm vui, nhưng theo đó là một gánh nặng đè lên vai đôi vợ chồng. Nếu tiếp tục ở lại miền Nam làm ăn, cũng khó lòng lo nổi cho cả gia đình. Anh Nga cùng 2 mẹ con đành thu xếp về lại quê.

Anh chị Nga về quê vẫn chăm chỉ làm ăn, anh đi làm thuê, ai gọi đâu làm đó, dù nặng nhọc vất vả đến đâu vẫn không từ chối. My và mẹ thì đều là công nhân trong khu công nghiệp. Đồng lương ít ỏi, chẳng đủ trang trải cho cuộc sống, thuốc men khi đau ốm. Công việc ngày có ngày không, có ngày chỉ vẻn vẹn vài chục nghìn. Lắm lúc trong nhà không có tiền để lo bữa ăn, cả nhà chỉ ăn rau củ qua ngày.

Nhìn hai vợ chồng khó ai mà tin được họ mới hơn 40 tuổi với hai hốc mắt trũng sâu, gò má teo tóp nhăn nheo và dáng đi nhọc nhằn. Hàng xóm láng giềng ai cũng quý mến bởi cái tính chịu thương chịu khó, hiền lành chất phác và cũng thương cho gia cảnh cơ cực của anh chị. Cái chết của My, dù thật đáng trách bởi suy nghĩ dại dột nông nổi, nhưng cũng thật đáng thương. Chẳng giàu sang gì nhưng xóm làng, kẻ ít người nhiều mỗi người gom một ít, mỗi người một chân một tay giúp đám tang phần nào bớt cô quạnh.

Ước mơ xa xôi

Cái nghèo cứ mãi đeo bám anh không buông như muốn "đuổi cùng diệt tận", thê thảm đến mức không có tiền để thuê xe chở thi thể cháu về lo an táng. Nhưng cũng may nhờ anh hàng xóm tốt bụng, sẵn sàng cho anh cái giường mình đang nằm, cùng dân làng đưa thi thể em về. Cái chết của My quá đột ngột, quá thê lương. Chúng tôi chứng kiến cảnh người cha đau đớn, vùng vẫy như muốn phát điên trước tin con mất, người mẹ thì khóc thương đến mức ngất lịm đi mà lòng không khỏi nghẹn ngào, xót xa.

Nợ nần chồng chất, khoản tiền nhỏ thuê xe đưa thi thể con về không kham nổi, số tiền lớn lo hậu sự anh chị cũng không biết lấy đâu mà lấp vào. “Lúc con mất, vợ chồng tôi đều đi làm xa. Khi về thì người ta đã vớt được con tôi lên. Nhìn con mà tôi ngất lên ngất xuống. May sao những ngày qua có mọi người giúp chứ không vợ chồng tôi không biết xoay xở thế nào. Lúc ấy trong nhà chỉ còn đúng 200 ngàn đồng...”, chị Mười nói.

Trao đổi với chúng tôi về việc tại sao gia cảnh anh chị Nga đặc biệt khó khăn như vậy mà chưa được chứng nhận là hộ nghèo hay cận nghèo, ông Phạm Văn Trước - Phó trưởng thôn Triêm Nam 1, Điện Phương, Điện Bàn - cho biết: "Lý do bây giờ vẫn chưa xét gia đình anh Nga và chị Mười hộ nghèo là do anh chị đi làm ăn xa nhà đã lâu năm, mới về quê lại nên việc xét hộ nghèo chưa thể triển khai nhanh được. Tính đến cuối năm nay chính quyền thôn sẽ đưa họ vào hộ nghèo. Nhưng về cơ bản, hiện nay, gia đình anh vẫn thường xuyên nhận sự trợ cấp của Nhà nước, sự cưu mang của bà con hàng xóm. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ gia đình anh chị Nga vượt qua khó khăn".

Nhưng có vẻ ước mong có một ngôi nhà đúng nghĩa để che nắng, che mưa đối với họ vẫn còn xa xôi lắm. Với thu nhập hiện tại, nợ nần hậu sự cho con gái chi trả không xuể, sự hỗ trợ của chính quyền cũng chẳng bao nhiêu, cuộc sống của họ sẽ còn rất nhiều khó khăn.
Thời gian gần đây, liên tiếp nhiều vụ tự tử đã xảy ra, đa phần rơi vào độ tuổi thanh thiếu niên. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có đến gần 10 cái chết thương tâm mà nguyên nhân sâu xa vẫn là chuyện buồn chán gia đình, giận hờn trong yêu đương. Sự việc này một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Rất nhiều trường hợp dẫn đến kết cục đau lòng mà nguyên nhân là do cha mẹ mải mê làm ăn, không để ý tới con cái nhất là lứa tuổi mới lớn, suy nghĩ nông cạn cần sự quan tâm, giáo dục của gia đình và nhà trường.