Vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức Hà Nội bị phát hiện đúng dịp cả nước tổng kết 15 năm thực hiện NQTƯ 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng văn hóa...
Vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức Hà Nội bị phát hiện đúng dịp cả nước tổng kết 15 năm thực hiện NQTƯ 5 khóa VIII của Đảng về xây dựng văn hóa buộc chúng ta phải mổ xẻ sâu hơn đánh giá của một số bậc trí giả: 15 năm, mục tiêu không thành công nhất là xây dựng con người mới.
Tại hội nghị trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm rõ hơn sự không thành công trong xây dựng con người văn hóa là đạo đức suy thoái, lối sống giả dối, vô cảm, bệnh thành tích và hình thức có xu hướng tăng. Những yếu kém này làm xấu hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; là nguy cơ của mọi loại nguy cơ. Có nhiều mối liên hệ để bàn luận “bước lùi văn hóa”, ở đây chỉ xin nói đến một thứ bệnh ai cũng nhận diện được, muốn diệt trừ nhưng càng hô tiêu diệt thì nó càng sinh sôi như loại cỏ dại bất trị. Đó là bệnh giả dối.
Vụ Hoài Đức bây giờ mới có chắc chắn không. Chỉ diễn ra trong ngành y ? Lại càng không. Những vị quan trong ngành văn hóa, tuyên truyền thử nghĩ lại đã bao giờ chối bỏ hàng trăm bài dự thi photocopy từ một người làm để lấy thành tích phong trào chung ? Các quan to, quan nhỏ từng học “hàm thụ”, “bồi dưỡng” khi thi triết học, chính trị có dám lên án tình trạng chép tài liệu một cách công khai ?
Các cháu học sinh bị bắt vì đem tài liệu chẳng qua các cháu là phận học trò trơn. Người lớn có danh phận đi thi được tạo điều kiện chép bài. Việc ra quy định cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hay quan tài không được lắp kính… là hậu quả của kiểu đi học chép bài để thăng chức.
Quan trọng như đánh giá tác động môi trường của Thủy điện Sông Tranh 2 mà họ còn dám copy tài liệu thì các nhân viên Bệnh viện Hoài Đức “không biết sợ là gì”-nói như Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng là chuyện dễ hiểu.
Đại hội lần thứ VI của Đảng có câu nổi tiếng: Hãy nhìn thẳng vào sự thật. Nói thật không dừng lại như một phương pháp tìm kiếm sự thật cho các lĩnh vực kinh tế-xã hội mà còn để chặn văn hóa sống khỏi bị suy tàn. Gần 30 năm hô hào nói thật, làm thật vậy mà như lời GS-TS Hoàng Chí Bảo tại hội nghị trên, rằng xã hội ngày càng phát triển nhưng văn hóa ngày càng đi lùi.
Văn hóa không chỉ là mấy lễ hội, nâng cấp di sản hay phổ cập các thôn ấp được gắn biển. Nỗi đau tầng sâu văn hóa nước ta hiển thị ở lời than của người đời, rằng ngày nay làm người trung thực khó quá. Đấu tranh chống giả dối khó không kém chống tham nhũng. Khó nên đa phần chọn sống chung với giả dối để được yên thân, được tiến thân và được ấm thân.
Đất nước từng có những bậc lãnh đạo là tấm gương về văn hóa dân tộc, biết đau cùng nỗi đau nhân gian, biết chỉ hướng cho người dân cách làm người. Vậy mà nay, nhiều người từ trí thức bậc cao đến dân thường phải hạ mình “ăn xó mó niêu”, xin xỏ khi ra chốn công đường làm vài ba thủ tục hành chính-nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. Dám đứng tên tố cáo thói giả dối như chị Hoàng Thị Nguyệt ở Bệnh viện Hoài Đức thời nay xứng đáng được phong anh hùng.
Chế Lan Viên từng viết về thơ mình: …câu thơ tôi gầy còm như thế/Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình. Thơ gầy còm cũng như đạo đức con người gầy còm. Đất nước không thể lớn nếu chỉ có những công dân đạo đức gầy còm.