Ma Văn Kháng sinh ra tại Hà Nội nhưng có duyên nợ với miền núi Tây Bắc. Nhiều tác phẩm với đề tài miền núi Tây Bắc đã góp phần làm nên tên tuổi ông. Chuyện của Lý dường như là những gì lắng đọng, chắt chiu của Ma Văn Kháng về vùng đất Tây Bắc.
Bìa tiểu thuyết Chuyện của Lý.
Truyện lấy tên là Chuyện của Lý, song lại là câu chuyện của nhiều người, nhiều nhân vật. Mở đầu, tác giả cho Lý xuất hiện như một biểu tượng của sự sống. Cái Lý lúc đó là em bé vài tháng tuổi, còn nằm trong cái nôi mây đan vành quết dầu nâu óng. Khuôn mặt em tròn trịa trắng hồn, hai bàn chân mũm mĩm. Tác phẩm thông qua sự lớn lên của Lý mà kể những câu chuyện cuộc đời. Truyện khép lại khi Lý 17 tuổi, đẹp rạng rỡ như trăng rằm. Những lời văn đẹp thể hiện một cái kết có hậu: “Em là Lý đây. Em đã được sống trong lòng cuộc sống của Phong Sa với đủ cả các cung bậc buồn vui, đau khổ và sung sướng. Em là con đẻ của cuộc đời. Là con của người đời, em đang can đảm bước vào đời đây".
Nhân vật Lý trong truyện được nhà văn xây dựng như cái mầm sống hồn nhiên tràn đầy sinh lực. Lý giống như là đứa con của đời, của cuộc sống. Thông qua nhân vật Lý, Ma Văn Kháng đưa ra nhân chứng cho nhận định về nhân sinh: Con người là cái lý do sâu xa nhất của cuộc đời.
Không chỉ kể câu chuyện của Lý, tác phẩm còn dựng nên một bức tranh sinh động, đặc sắc với nhiều mảng màu về miền núi thơ mộng và hùng vĩ. Những năm tháng dạy văn ở Việt Bắc đã cho Ma Văn Kháng những trải nghiệm, tích lũy hiểu biết để ông có thể viết về miền núi nhuần nhuyễn đến như vậy. Trong truyện, bên cạnh việc miêu tả thiên nhiên, sinh hoạt của người Dao, Ma Văn Kháng còn sử dụng nhiều ngôn ngữ, lối nói, tập tục văn hóa, những bài hát ru của người Dao… Đọc tác phẩm, có cảm giác như Ma Văn Kháng là người con của vùng miền núi phía bắc Việt Nam, cảm giác như ông viết câu chuyện về vùng đất mà ông yêu tha thiết vậy.
Nhà văn Ma Văn Kháng (trái) với các bạn từng dạy học cùng tại Việt Bắc.
Chuyện của Lý là một tiểu thuyết với bút pháp hiện thực, lãng mạn. Ma Văn Kháng vẫn viết Chuyện của Lý với văn phong, bút pháp của những Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ… Kết cấu tác phẩm trình bày theo trình tự thời gian. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng đó là cách viết của một người từng trải, nên tác phẩm là quả ngọt, và cách viết chậm ấy giống như là “thực phẩm cho người già”.
Còn nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan thì nhìn thấy tác phẩm “đầy những câu chuyện của xã hội đương thời, nó cho thấy tác giả không ngừng suy nghĩ về thực tại”. Nhà phê bình Văn Giá đánh giá Chuyện của Lý là một tác phẩm thành công ở mọi phương diện nội dung, tư tưởng, kỹ thuật viết, ngôn ngữ… Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng đánh giá cao Chuyện của Lý, tuy nhiên, ông còn chỉ ra những điểm thiếu hợp lý trong tác phẩm, như chi tiết hai người lính gặp nhau tại chiến trường năm 1972 đã bàn luận về tác phẩm của Gabriel Márquez (thực tế, tác phẩm này mãi đến năm 1985 mới được dịch tại Việt Nam).
Là một tác giả sung sức, đã vào cái tuổi “xưa nay hiếm” từ lâu, nhưng Ma Văn Kháng vẫn chưa muốn dừng bước với văn chương. Sự đón chờ của độc giả cũng là một động lực cho ông tiếp tục sáng tác.