Biện pháp ngụy trang thường nhằm che giấu bản thân hay mục đích của một cơ sở. Muốn có hiệu quả, biện pháp này phải được phối hợp với các biện pháp khác như cách xây dựng cơ sở và việc triển khai các lực lượng vũ trang.
Những lán che đó dù là những cấu trúc thô sơ, không kiên cố, chỉ có tác dụng cơ bản chống các tác nhân gây hại của môi trường nhưng có thể làm cho đối phương khó đánh giá chính xác cơ cấu lực lượng ở một sân bay nhất định nào đó.
Hơn nữa, các lán che còn là biện pháp giữ kín trạng thái sẵn
sàng chiến đấu của phương tiện bên trong.
Chẳng hạn, nếu toàn bộ số lượng của một phi đội máy bay chiến đấu đều được che trong lán thì dù có bị chụp ảnh từ vệ tinh, người phân tích ảnh cũng không thể xác định có bao nhiên phần trăm máy bay đang bảo dưỡng, bao nhiêu phần trăm máy bay ở trạng thái sẵn sàng cất cánh làm nhiệm vụ chiến đấu.
Ở Trung Quốc, có ba kiểu lán che để bảo vệ ở các mức độ khác nhau cho máy bay trong trường hợp bị tiến công hoặc chống trinh sát bằng các phương tiện chụp ảnh.
Kiểu lán thô sơ thường được bố trí dọc theo thềm đỗ máy bay trên các sân bay chiến đấu, nhìn bên ngoài khó có thể biết bên trong có máy bay hay không hoặc nếu có thì trạng thái sẵn sàng chiến đấu ra sao. Chẳng hạn, các lán che máy bay chiến đấu J-10 của Sư đoàn không quân tiêm kích số 3, chỉ là những vòm che đơn giản nhưng có tác dụng giữ kín trạng thái sẵn sàng chiến đấu của máy bay.
Lán che máy bay J-10 của Sư đoàn không quân tiêm kích số 9 gồm những vòm che kiên cố, ngụy trang bằng cây cỏ trên nóc và xung quanh, có cả lưới ngụy trang che đường lăn bánh ra vào.
Nhiều sân bay quân sự ở Trung Quốc có hệ thống hầm ngầm lớn kiên cố để bảo vệ các máy bay ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu đồng thời là nơi tồn trữ những máy bay chiến đấu cũ hơn làm lực lượng dự bị thời chiến.
Tuy không hẳn là nhằm mục đích ngụy trang che giấu nhưng những cấu trúc này có tác dụng làm cho đối phương không thể đánh giá lực lượng một cách chính xác vì không biết bên trong đó có bao nhiêu máy bay.
Nhiều khi có thể phán đoán tầm quan trọng của một cơ sở được che giấu từ việc triển khai các phương tiện bảo vệ lộ liễu xung quanh. Có thể nêu ví dụ về biện pháp ngụy trang của Iran.
Xung quanh cơ sở làm giàu urani của Iran ở gần Natanz được bố trí nhiều hệ thống phòng không dấu hiệu chứng tỏ tầm quan trọng của địa điểm đó. Tuy cơ sở này đã bị lộ trong năm 2002 và IAEA đã biết, nhưng ở đây vẫn nêu một số biện pháp bảo vệ, che giấu của Iran.
Xung quanh cơ sở Natanz có nhiều hệ thống tên lửa đất đối không, bao gồm 2K12E, Tor-M1E, HQ-2 và Hawk, cùng nhiều trận địa pháo phòng không. Ngoài ra còn có một khẩu đội S-300 bố trí gần Esfahan, cách Natanz khoảng 115km. Có thể nói không có địa điểm nào khác ở Iran được bảo vệ bằng nhiều vũ khí phòng không như Natanz.
Hình ảnh trinh sát bằng hệ thống Digital Globe thu được hồi tháng 2.2003 cho thấy qui mô những biện pháp che giấu mà Iran đã áp dụng ở cơ sở này.
Nhìn lên ảnh có thể thấy rõ hai gian chính nơi đặt máy ly tâm và nhiều đường vào. Nhưng ảnh chụp tháng 10.2003 cho thấy cả hai gian đặt máy ly tâm và các đường vào- khu vực quan trọng nhất của cơ sở hạt nhân- đều đã được phủ kín dưới một lớp đất.
Đây là một ví dụ về biện pháp ngụy trang phổ biến mà nhiều nước đã áp dụng: đưa các công trình hay cơ sở quân sự quan trọng xuống dưới mặt đất. Biện pháp này không chỉ làm cho đối phương khó có thể đánh giá chính xác qua ảnh chụp từ trên không mà căn bản còn có tác dụng bảo vệ trong hầu hết các trường hợp bị tiến công bằng các hệ vũ khí thông thường.
Che giấu hoạt động
Một ví dụ điển hình là biện pháp che giấu hoạt động của lực lượng tên lửa đường đạn của Iran. Loại tên lửa đường đạn mạnh nhất hiện có của Iran là Shahab-3- tên lửa đường đạn tầm trung (IRBM) cơ động trên bộ, chủ yếu sử dụng phương tiện JEL có xe kéo. Tuy nhiên, hình ảnh trinh sát bằng hệ thống Digital Globe năm 2005 cho thấy có hai hầm ngầm đặt tên lửa đường đạn gần Tabriz ở phía Tây Bắc Iran.
Về cơ bản, hầm đặt tên lửa đường đạn không nhất thiết là một hình thức che giấu. Đúng hơn, đó thường là phương pháp đơn giản nhất để triển khai chiến đấu và bảo vệ các hệ vũ khí nếu không cần thiết phải cơ động trên bộ hay điều kiện kỹ thuật không cho phép.
Vì vậy, hầm ngầm ở căn cứ tên lửa đường đạn Shahab-3 không hẳn là biện pháp che giấu. Tuy nhiên, có hai nhân tố chứng tỏ việc xây dựng hầm ngầm chắc chắn có nhằm mục đích che giấu.
Trong tháng 6.2011, báo chí đưa tin về cuộc tập trận “Great Prophet 6” của Iran trong đó có hình ảnh hệ thống hầm ngầm Tabriz, lần đầu tiên chính thức xác nhận có hầm đặt tên lửa đường đạn.
Một trong những lý do khiến Quân đội Iran đặt tên lửa trong hầm ngầm là để vô hiệu hóa phương tiện trinh sát của đối phương từ trên không. Đó là điều mà Iran đã tuyên bố thẳng thừng vì thực ra việc Iran có tên lửa đường đạn đã được các nguồn tin công khai nêu chi tiết từ năm 2008. Các quan chức quân sự Iran thừa nhận rằng việc đặt tên lửa trong hầm ngầm nhằm che giấu ít nhất một phần lực lượng tên lửa đường đạn.
Nhân tố thứ hai liên quan đến bản thân thiết kế của tên lửa Shabab-3- tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng và phải mất tới một giờ nạp nhiên liệu trước khi phóng. Quan sát được các hoạt động triển khai phía trước và tiếp nhiên liệu thì có thể xác định trạng thái sẵn sàng chiến đấu của khẩu đội tên lửa, qua đó có thể có đủ thời gian chuẩn bị các biện pháp phòng chống và bảo vệ.
Sử dụng hầm ngầm cho một bộ phận lực lượng tên lửa Shahab-3, Iran làm cho đối phương không thể dựa vào phương tiện trinh sát chụp ảnh từ trên không để theo dõi trạng thái sẵn sàng chiến đấu của tên lửa.
Không theo dõi được công đoạn nạp nhiên liệu, đối phương sẽ không thể xác định chính xác số tên lửa đặt trong hầm đã ở trạng thái sẵn sàng phóng. Nhờ vậy, tác dụng răn đe của số tên lửa Shahab-3 đặt trong hầm tăng lên, đặc biệt nếu đó là những tên lửa trang bị đầu đạn hóa học, sinh học hay hạt nhân.
Tuy hiện chỉ có 6 hầm đặt tên lửa bố trí ở gần Tabriz, nhưng khi được nạp đủ nhiên liệu và sẵn sàng phóng, số tên lửa này đủ đáp ứng yêu cầu quân sự.
(Còn tiếp)
Kỳ 1: Vệ tinh làm thay đổi chiến thuật ngụy trang quân sự ra sao?