Dân Việt

“Không kiểm điểm rồi để đấy”

01/10/2012 10:16 GMT+7
(Dân Việt) - Dự thảo báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành ủy được xây dựng với tinh thần khách quan, không né tránh, thể hiện tinh thần gương mẫu của Ban Thường vụ Thành ủy.

LTS: Những ngày này, các cấp ủy và đảng viên cả nước đang sôi nổi tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần NQ 4. Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra từ đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này. Từ việc cần loại bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, cấp phép đầu tư dự án; làm rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ đảng viên; lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá năng lực phẩm chất của cán bộ lãnh đạo... đến kỷ luật đảng viên không trung thực, xử lý những đảng viên sai phạm...

Từ số báo này, Báo NTNN mở chuyên mục “Đảng sửa mình để vững mạnh” nhằm thông tin đa chiều về đợt sinh hoạt này. Bạn đọc có thể tham gia viết bài góp ý, nêu quan điểm, thông tin về những hành vi cần phê phán của cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất... Thư từ, bài vở xin gửi về Báo NTNN, Chuyên mục “Đảng sửa mình để vững mạnh”, số 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nộil hoặc E-mail: ntnnhn@gmail.com.

* * *

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy khi tham dự và chủ trì Hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hà Nội về việc triển khai kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4. Tổng Bí thư cho rằng: Đảng bộ TP. Hà Nội cần thực hiện tốt tiêu chí không kiểm điểm rồi để đấy mà nói là làm. Có những việc phải sửa ngay trong quá trình làm.

img
Hà Nội họp kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4.

Loại bỏ ngay lợi ích nhóm

Tại Hội nghị phổ biến Nghị quyết T.Ư 4, với sự tham gia của hơn 2.300 cán bộ chủ chốt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã khẳng định: Cải cách hành chính chưa thể làm quyết liệt và chỉ mang tính hình thức nếu còn “lưu luyến” lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Chính vì vậy, để lãnh đạo, người đứng đầu vì lợi ích chung mà hành động ngoài việc căn cứ vào tỷ lệ phiếu bầu thì cần có bộ tiêu chí chung để đánh giá họ. Tuy nhiên, không thể nêu câu hỏi “có làm được không” mà phải quyết tâm để thực hiện mệnh lệnh “phải làm bằng được”.

Trên tinh thần ấy, đã có 107 cơ quan, đơn vị với hơn 830 lượt ý kiến góp ý về ưu, khuyết điểm, những vấn đề nổi cộm mà Thành ủy Hà Nội cần tăng cường chỉ đạo. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hà Nội Hồ Quang Lợi cho biết: Dự thảo báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Thành uỷ được xây dựng với tinh thần khách quan, không né tránh, thể hiện tinh thần gương mẫu của Ban Thường vụ Thành ủy.

Nội dung thảo luận đặc biệt tập trung kiểm điểm làm rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trên hai vấn đề gợi ý kiểm điểm sâu của Bộ Chính trị gồm: Khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của một bộ phận cán bộ của thành phố, đặc biệt là cán bộ trực tiếp giải quyết công việc liên quan đến các tổ chức và cá nhân ở các sở, ngành và ủy ban nhân dân các cấp, gây nhiều bức xúc trong cán bộ và nhân dân; công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, quản lý đô thị theo gợi ý kiểm điểm của Bộ Chính trị.

Thí điểm lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt

Trước mắt, trong thời điểm thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4, Ban thường vụ Thành uỷ tập trung chỉ đạo các công việc sau: Tập trung chỉ đạo sâu sát, tiến hành tổng hợp, góp ý kiểm điểm sâu, phân công các ủy viên Ban Thường vụ trực tiếp dự và chỉ đạo kiểm điểm ở các quận, huyện, thị ủy, các sở, ngành và lĩnh vực công việc dễ xảy ra tiêu cực hoặc dư luận nhân dân và doanh nghiệp quan tâm như Sở Quy hoạch- Kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên- Môi trường, Tài chính, Nội vụ, Thuế, Văn hóa, Giáo dục, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quản lý thị trường, Công an…).

Đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, kỷ luật nghiêm, kịp thời xử lý, thay thế, luân chuyển cán bộ từ cấp cơ sở trực tiếp thụ lý công việc đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Công khai, minh bạch hơn nữa và làm rõ các tiêu chí đánh giá, các quy trình, thủ tục và các khâu trong cấp phép đầu tư dự án, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trước hết là các dự án BT, BOT và đẩy nhanh xử lý những vi phạm đang thụ lý.

Hà Nội sẽ tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố, quận, huyện, thị xã, sở, ngành và các chức danh chủ chốt do HĐND bầu vào dịp cuối năm 2012.

Đặc biệt, Hà Nội sẽ tổ chức thí điểm lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt thành phố, quận, huyện, thị xã, sở, ngành và các chức danh chủ chốt do HĐND bầu vào dịp cuối năm 2012, theo hướng công khai, dân chủ và mở rộng đối tượng lấy ý kiến (thay thế các cán bộ có 2 năm liên tục không đạt yêu cầu phiếu tín nhiệm và sau 1 năm nếu phiếu tín nhiệm quá thấp). Giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cơ quan chức năng kiểm tra làm rõ một số việc chưa đủ thông tin để kết luận, làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể liên quan; tiếp tục nêu rõ, nêu gương về tinh thần phê bình và tự phê bình, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phát huy tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ đảng viên.