“Tìm hộ nghèo không khó đâu!”Ấy là câu trả lời rất vô tư của dân bản Tà Ẻn (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, Sơn La) khi thấy tôi hỏi thăm đuờng về một số hộ nghèo trong bản. “Họ nói vậy là bởi cái bản này, nhà ai cũng nghèo, cũng đói. Dù Nhà nước đã hỗ trợ tấm lợp để đảm bảo không còn nhà tranh, nhưng cũng có đến gần nửa số hộ thuộc diện nghèo. Cứ vào kỳ giáp hạt là Nhà nước lại phải cấp gạo cứu trợ cho bà con” - ông Vì Văn Hôm- Chi hội trưởng Nông dân bản Tà Ẻn bảo vậy.
Mẹ con chị Liên (bên trái) trước căn nhà trống, xác xơ bởi đói nghèo.
Tà Ẻn là bản của 100 hộ đồng bào Sinh Mun ở vùng biên giới Việt - Lào, cách trung tâm huyện Yên Châu khoảng 40km. Bản có hơn 400 nhân khẩu, hầu hết là người một dòng họ Vì. “Dân Tà Ẻn kiên trì bám trụ mảnh đất này, dù đói nghèo cũng không du canh, du cư, nhưng vì đất đai chật hẹp, người đông nên dẫu rất chăm chỉ nhưng vẫn nghèo, vẫn đói. Tìm người khá, giàu trong bản khó lắm” - Trưởng bản Vì Văn Thắm nói.
Tôi bước vào căn nhà nhỏ, mới được dựng trên sườn núi nhưng đã xiêu vẹo bởi cột kèo không chắc chắn. Vợ chồng anh Thằm, chị Liên đang ngôi co ro bên bếp lửa, ôm ấp đứa con mới sinh được mấy tháng. Trong nhà chỉ có cái kiềng bếp và cái ấm đun nước là bằng kim loại, chẳng thấy ti vi, giường, tủ hay những vật dụng có giá trị gì khác. Chị Liên bảo: Chúng cháu mới xây dựng gia đình, tách ra ở riêng, bố mẹ nghèo quá nên chỉ cho được mỗi cái chạn bếp cũ. Đất đai cũng chật hẹp nên có sức khoẻ cũng không biết làm thế nào để thoát nghèo.
Ngay ở giữa bản là căn nhà 3 gian lợp fibro xi măng với những tấm ván, thân cột mốc thếch, ẩm ướt của gia đình chị Vì Thị Liên và anh Vì Bun Mai. Lấy nhau từ năm 1995 nhưng vì quá nghèo không thể có tiền làm cái lễ cưới vợ sau thời gian ở rể, anh Mai đành ở lại luôn nhà vợ. “Bố mẹ vợ thương con, cắt cho ít đất làm nhà, làm vườn. Tôi cũng trồng mía, trồng ngô, làm quần quật cả ngày nhưng ít đất quá nên mỗi năm vẫn bị đói ăn mất 3-4 tháng” - anh Mai kể. Tuy nghèo nhưng anh Mai, chị Liên vẫn quyết tâm nuôi 3 đứa con ăn học “mong sau này chúng thoát cái cảnh không biết chữ như vợ chồng tôi. Mù chữ khổ lắm. Đói chữ, đói cả cái bụng”.
Dù thuộc dạng chăm chỉ, lấy nhau đã gần 20 năm nhưng trong nhà anh Mai, ngoài chiếc tivi cũ nát thì chẳng có một tài sản gì có giá trị đến mấy trăm ngàn đồng. Con lớn của anh chị là cháu Vì Thị Hằng đang ngồi học bên góc cầu thang với quyển sách giáo khoa cũ. “Cháu ôn lại kiến thức lớp 11 để chuẩn bị vào năm học mới vì chưa có tiền mua sách giáo khoa lớp 12”. Ông Hôm bảo: Nhà nghèo, đói ăn nhiều năm, phải làm quần quật để giúp bố, mẹ và các em nhưng con bé này học chăm, học giỏi nhất bản đấy. 11 năm đi học là 11 năm đạt học sinh tiên tiến. Nghĩ mà thương cho nó...
Nghèo là bởi tốt cái bụngTôi hỏi anh Hôm: Tại sao ở bản lắm hộ nghèo đến thế? Mà lại nghèo đến mức như chẳng có tài sản gì ngoài cái nhà rỗng? Ông Hôm trầm tư: Người Sinh Mun từ xa xưa vốn đã là một dân tộc nghèo rồi, chỉ được cái yêu nước, yêu làng bản thôi. Hầu hết người Sinh Mun lớn tuổi ở đây thất học nên cuộc sống đói nghèo lại càng nghèo thêm. Nhưng anh thấy đấy, đi nhiều nơi có ở đâu còn những cánh rừng tốt như ở Tà Ẻn không? Nhà nước bảo giữ rừng là dân giữ rừng.
Thiếu đất sản xuất, thiếu cái giường nằm, thiếu cái tủ đựng quần áo, cái cột nhà chắc... nhưng cũng không phá rừng lấy gỗ, không làm sai quy định đâu. Rừng Tà Ẻn có nhiều gỗ quý như: Đinh hương, nghiến, long lanh... Dân bản thì ai cũng biết chặt cây, xẻ gỗ nhưng đành chịu khổ vì cái bụng không muốn làm điều xấu. Ngay nhà trưởng bản cũng còn chẳng có tài sản gì, trống huơ, trống huếch mà thôi.
Để giúp dân Bản Tà Ẻn thoát cảnh đói nghèo, Báo Nông Thôn Ngày Nay kêu gọi sự chung tay giúp sức của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền mua bò giống tặng các hộ nghèo và tiền, sách vở, đồ dùng cho học sinh. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Báo Nông thôn Ngày nay - 13 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội; tài khoản 1506311002117 Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Tây Hồ, Hà Nội.
|
Bí thư chi bộ bản - anh Vì Văn Vầu tâm sự: Mấy tháng vừa rồi, khi Nhà nước vào đây làm đường cho bản, kêu gọi người dân đóng góp đất không lấy tiền bồi thường. Dù dân bản rất nghèo nhưng cả con đường rộng tới 7-8m, dài gần 3km xuyên suốt bản này, đi qua nhiều đất vườn, cây ăn quả của dân nhưng không một ai kêu ca, không đòi hỏi một đồng hỗ trợ, bồi thường nào cả.
Đến ông doanh nghiệp vào đây làm đường cũng kêu lên: Tôi chưa thấy ở đâu dân tốt, dân nghe lời cán bộ như ở đây. Lòng người Tà Ẻn là như vậy đấy!
Trở lại với gia đình anh Mai, tôi lại bắt gặp cháu Hằng vẫn đang thẫn thờ bên chái bếp. Hằng bảo: “Sắp vào năm học mới rồi mà 3 chị em cháu vẫn chưa có tiền để mua sách, vở, quần áo. Cháu lớn thì cố chịu được nhưng các em cháu còn nhỏ, thiếu thứ gì là khổ lắm”.
Tôi hỏi Hằng: Nhưng 1 năm có tới mấy tháng đói ăn như vậy thì làm sao học tốt được? Ánh mắt cháu bất chợt tối lại như cơn mưa chiều đang kéo về, lí nhí đáp lời: Đói thì đào củ mài, củ sắn ăn thôi. Người lớn thì ăn ít đi, dành phần nhiều cho trẻ con. Nhưng vẫn phải học chú ạ. Cháu mong có một sự giúp đỡ nào đó thật lớn để nhà cháu và dân bản đỡ nghèo. Chú đi nhiều, biết nhiều, có thể giúp dân bản cháu được không?