Dân Việt

Lộ trình tăng viện phí năm 2014: Chi phí trực tiếp tăng mạnh

Diệu Linh 19/10/2013 06:34 GMT+7
Gần 500 dịch vụ y tế vừa được điều chỉnh giá trong năm 2012 gây không ít sóng gió trong dư luận. Tuy nhiên, giá viện phí mới cũng chỉ tính 3 chi phí (trong số 7 yếu tố) liên quan đến điều trị.
Do đó, năm 2014, Bộ Y tế lại rục rịch điều chỉnh để dần đưa nốt 4 yếu tố còn lại vào viện phí.

Hàng loạt chi phí tăng

Theo đại diện Bộ Y tế, trước mắt, năm 2014 sẽ điều chỉnh viện phí để tăng tiền giường điều trị. Dự tính, tiền giường ở bệnh viện hạng 1 sẽ tăng 20.000 đồng (giá hiện nay là 70.000 đồng/giường/ngày), giá giường hạng 2 tăng 16.000 đồng, hạng 3 tăng 12.000 đồng.

Mua bảo hiểm y tế, người dân mới thoát khỏi bẫy nghèo viện phí.
Mua bảo hiểm y tế, người dân mới thoát khỏi bẫy nghèo viện phí.

Còn đối với phẫu thuật, thủ thuật thì hiện tại, giá viện phí chưa tiệm cận được mức chi phí cho phẫu thuật, phần còn thiếu đang do ngân sách nhà nước chi trả. Khi áp dụng mức tăng viện phí, bệnh nhân sẽ phải trả đầy đủ chi phí tiền thuốc tiền công cho người mổ chính, mổ phụ, gây mê, y tá. Như vậy, mỗi ca phẫu thuật đơn giản cũng sẽ phải tăng chi phí khoảng hơn 1 triệu đồng. Ca mổ càng nhiều bác sĩ mổ, phụ mổ thì giá thành càng đội lên.

Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức khẳng định: “Nếu tính đủ, chỉ riêng lương và các khoản phụ cấp phẫu thuật thì giá viện phí sẽ tăng ít nhất 20%. Năm 2012, bệnh viện Việt Đức mới điều chỉnh giá 180 dịch vụ trong tổng số hơn 600 dịch vụ thực hiện tại viện. Phần còn thiếu thì ngân sách chi trả hoặc bệnh viện… nợ nhân viên y tế. Giờ nếu tính đủ thì về lâu dài, nếu người dân không có thẻ BHYT sẽ chịu gánh nặng rất lớn”

Chuyển tiền từ bệnh viện sang người dân

Ông Nguyễn Nam Liên – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, tính ra tiền giường sẽ đội lên 16.000 đồng/giường hạng 1 nâng số tiền lên 90.000 đồng/giường là số tiền không nhỏ. Nhưng nếu bệnh nhân có BHYT đã được chi trả 80% thì người bệnh chỉ phải trả thêm 18.000 đồng/giường/ngày. Còn người nghèo đã được BHYT chi trả tới 95% viện phí thì sẽ chỉ phải trả thêm 4.000 đồng. “Do đó, người dân nên tham gia BHYT để đảm bảo quyền lợi cho mình” – ông Liên cho biết.

Theo Nghị định 85/2012 của Chính phủ, Bộ Y tế sẽ xây dựng lộ trình để điều chỉnh giá viện phí từ nay cho đến năm 2018. Trong đó, năm 2014 sẽ tính thêm 2 yếu tố (chi phí trả phụ cấp trực được tính vào giá ngày giường điều trị nội trú và chi phí trả phụ cấp phẫu thuật thủ thuật được tính vào giá từng phẫu thuật, thủ thuật).

Đại diện Bộ Y tế cho biết thêm, lộ trình tăng viện phí không phải do Bộ Y tế “vẽ” ra mà tuân thủ các chủ trương về đổi mới cơ chế tài chính bệnh viện do Đảng chỉ đạo từ những năm 2006. Việc điều chỉnh giá viện phí cũng không phải “cắt chi phí” Nhà nước dành cho y tế mà là chuyển dần việc cấp ngân sách cho bên cung cấp dịch vụ (bệnh viện) sang đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng (người dân) bằng cách dùng ngân sách mua thẻ BHYT cho các đối tượng. Như vậy số tiền đầu tư cho y tế sẽ rót trực tiếp cho người dân. “Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì mệnh giá thẻ BHYT cũng sẽ phải tăng lên để đảm bảo quyền lợi cho người dân” – ông Liên cho biết.

Theo ông Liên, việc đưa viện phí về với “giá thị trường” sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bệnh viện. Để cạnh tranh, thu hút bệnh nhân, các bệnh viện sẽ phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thay đổi thái độ phục vụ. Khi đã là “giá thị trường” thì sẽ không còn khoảng cách giữa “khám BHYT” và “khám dịch vụ”, do đó, người bệnh cũng sẽ được phục vụ công bằng.