Dũng cảm đối diện tấn bi kịch đẫm nước mắt của gia đình, Nguyễn Lê Hoàng Trung (SN 1992, sinh viên năm 2, khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) đã lặng lẽ bước tiếp trên con đường mơ ước của mình bằng niềm tin và hy vọng.
Nhát dao oan nghiệt
Ngày đó, chị L.T.M.K. (SN 1972, mẹ Trung) là một cô giáo tiểu học được nhiều người quý mến. N.T.H. (SN 1968, cha Trung) vốn hiền lành, chăm chỉ với công viêc của một công nhân cao su.
Trung và ông ngoại tại nhà trọ |
Dù vậy, mỗi khi chếnh choáng hơi men, H. lại nghe lời bạn nhậu xỏ xiên nên hay nổi máu ghen tuông. Và bi kịch bắt nguồn từ đó. Đêm nọ, sau khi đã ngà ngà đôi ba chén, H. về nhà khóa trái cửa rồi vung dao giết chết vợ ngay trước mặt con trai. Trung cũng bị đâm nhưng không chết trái tim sinh học mà chết tâm hồn thơ bé của em.
Năm đó, Trung chưa tròn 4 tuổi, bị đứt tủy sống, liệt nửa người vĩnh viễn. Mất mẹ, ba lâm vào vòng lao lý, Trung giống như một cánh chim non lạc đàn. Tuổi thơ Trung trôi qua trong những cuộc phẫu thuật chỉnh hình triền miên.
Từ Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) hay các cuộc phẫu thuật từ thiện, nơi nào Trung cũng từng qua nhưng chẳng có kết quả. Bên nội không còn quan tâm đến đứa cháu tật nguyền, Trung được ông bà ngoại đón về nuôi và chăm bẵm từ bấy đến nay.
Trung rất kiệm lời. Lúc nhỏ, Trung từng được ông ngoại đưa vào trại giam thăm ba. Em chưa một lần tỏ vẻ oán hận hay thù ghét gì người cha nhẫn tâm đó. Trung lúc nào cũng lặng lẽ và âm thầm với chính mình. Hiện nay, phần người dưới của Trung hoàn toàn không còn cảm giác. Em đi lại bằng cách chống hai bàn tay bò trên đất và nhờ đến xe lăn.
Ngày cũng như đêm, việc vệ sinh cá nhân của Trung phải nhờ đến bàn tay già nua, mỏi mệt của ông ngoại trợ giúp. Ngoài 70 tuổi, ông Lê Văn Khôi (ông ngoại Trung) vẫn cặm cụi bồng bế, chăm sóc đứa cháu bất hạnh mà không một lời than vãn.
Ông Khôi bộc bạch: “Thiệt lòng, được thấy cháu cười tươi không gượng gạo là ước mơ của tôi. Ngỡ là nhỏ nhoi vậy thôi, nhưng khó lắm. Kể ra thì cũng phải, cháu tôi làm sao quên được những gì đã xảy ra. Bây giờ, sáng sáng, tôi phải quấn tả vào người cho cháu, đợi đến chiều lại thay. Ngày nào cũng phải lê lết trên đất, bản thân lại không thể tự làm vệ sinh cá nhân cho mình thì bảo cháu làm sao vui, làm sao không tủi, không buồn”.
Nghị lực phi thường
Trung và những người bạn đồng cảnh |
Chẳng ai có thể tin một cậu bé tật nguyền với quá khứ đau thương như Trung lại là thủ khoa đầu vào lớp chuyên lý của trường THPT chuyên Quang Trung (Bình Phước) và sau này là sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM. Nhưng đó là sự thật.
Hành trình đến với giảng đường đại học của chàng trai lớn lên trên những con đường bạt ngàn cà phê của tình Bình Phước này là một câu chuyện dài. Hồi mới tập tành học chữ, ông ngoại là đôi chân của Trung. Bất kể nắng mưa, ngày nào ông Khôi cũng cõng cháu đến lớp trên tấm lưng gầy gò của mình. Đền đáp lại, Trung học rất giỏi và ngoan ngoãn.
12 năm liền, Trung đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Tháng 4.2010, Trung được tuyên dương gương điển hình khuyết tật học tập lao động xuất sắc toàn quốc tại Hà Nội do Bộ Lao động, thương binh và xã hội tổ chức.
Không đành lòng để cháu bơ vơ một mình, sau khi Trung đậu đại học, hai ông cháu tay xách nách mang xuống TP.HCM thuê nhà trọ. Hơn hai năm nay, hình ảnh một ông già lui cui chuẩn bị xe lăn, tất tả chợ búa, ẵm bồng đứa cháu trai đã trở nên quen thuộc với các bạn sinh viên trong một khu trọ nhỏ tại làng đại học Thủ Đức.
Ông Khôi cho biết: “Bà ngoại của Trung giờ đã về hưu và vẫn sống trên Bình Phước. Chúng tôi chấp nhận sống xa cách thế này là vì cháu đã bất hạnh nhiều quá rồi và nó cần được bù đắp bằng cách này hay cách khác. Tôi chỉ lo nếu mai đây vợ chồng tôi không còn, ai sẽ thật sự yêu thương lo cho cháu?”.
Ai từng một lần tiếp xúc với Trung đều thấy rằng đằng sau dáng người gầy gò với đôi mắt buồn thăm thẳm ấy là một chàng trai đầy nghị lực. Trung sống có hoài bão, hy vọng dẫu điều đó nghe có vẻ xa xôi. Giờ đây, Trung là thành viên CLB Niềm Tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM và đang nỗ lực từng ngày cho ước mơ trở thành một kỹ sư tin học trong tương lai.
Trung bộc bạch: “Em hy vọng mình có thể tìm được một công việc theo đúng ngành học để thỏa niềm đam mê công nghệ thông tin. Ông bà ngoại tin tưởng em và cũng đã vì em mà hy sinh rất nhiều. Thế nên, tự bản thân em lúc nào cũng nhắc nhở mình phải cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng kỳ vọng đó. Những gì đã qua, giờ chỉ còn là quá khứ thôi”.