Cách đây 3 năm, một người dân có tài sản nằm trong lòng hồ Nước Trong huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) bất ngờ tậu chiếc ô tô “đời cô Lựu”...
Tiền mua chiếc ô tô này được lấy từ số tiền mà nhà nước đền bù cho ông khi tiến hành thi công hồ Nước Trong.
Hệ quả của cú làm sang này thế nào thì ai cũng biết. Chiếc xe giờ thành đống sắt vụn mà chủ nhân thì chưa một ngày “ngồi êm” trên đống bạc ấy. Nhiều xã vùng cao thuộc tỉnh Quảng Nam đã “phổ cập xe máy” cách đây khoảng 7-8 năm kể từ khi các công trình thủy điện mọc lên như nấm sau mưa tại vùng này.
Tình trạng “thấy tiền cứ xài” hầu như rất phổ biến đối với đồng bào vùng cao, bất chấp số tiền ấy đến từ nguồn nào. Mà tiền được đền bù từ các công trình thủy điện và giao thông thì đồng bào càng tiêu xài thả phanh. Có tiền thì tiêu xài, chuyện không có gì phải bàn cãi, song xài như thế nào thì đó mới là điều đáng quan tâm.
Công trình Thủy điện Đakdrinh huyện Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi đã thành đề tài “nóng” hiện nay chung quanh câu chuyện chơi sang. Với mức đền bù ba bốn trăm triệu đến vài tỷ cho mỗi gia đình như Thủy điện Đakdrinh, nhiều người Ca Dong bỗng chốc thoát nghèo. Lên xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây hiện nay không khó khăn để nhận ra sự đổi thay của vùng quê từng bị khuất lấp bởi khó nghèo này.
Những ngôi nhà mang dáng dấp biệt thự không kém gì ở đồng bằng đã mọc lên giữa rừng hoang. Nhiều người dân đã bỏ ra một số tiền 400 - 500 triệu để có những ngôi nhà khang trang ấy. Thế nhưng, để sở hữu được những ngôi nhà như thế không phải là kết quả của sự dành dụm mồ hôi trộn nước mắt cả đời mới có được mà là tiền đền bù từ Thủy điện Đakdrinh.
Ông bà xưa có nói “sống cái nhà, già cái mồ”, việc có được cái nhà là niềm khao khát của bất cứ ai. Thế nhưng, cái cách chơi sang như một số gia đình ở Sơn Dung đang xây nhà thì rất khó yên lòng. Được đền bù 800 triệu, lấy một nửa ra để xây nhà, trong khi nhu cầu về nhà ở không cần đến thế thì đây quả là bài toán tự làm khó mình vậy.
Đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng cao ở miền Trung mấy năm qua nhờ trồng mì và keo lai, canh tác cây lúa nước và chăn nuôi kết hợp vườn rừng đã có những bước đổi thay đáng kể. Tuy nhiên, cái nghèo cái khó đâu đã hết đối với bà con. Nhiều gia đình cần năm ba triệu để mua con bò làm giống, thậm chí 500 - 700 ngàn để mua con heo giống cũng đã thấy khó rồi. Cũng có người cần hàng chục triệu để phát triển kinh tế vườn rừng nhưng xoay xở đâu ra ngần ấy tiền?
Ấy thế mà khi đã có tiền “trên trời rơi xuống” như thế thì ta lại hoang phí vào những chỗ chưa thật sự cần thiết. Đó là chưa kể đến việc ăn nhậu lu bù sinh bao nhiêu chuyện phức tạp sau mỗi lần nhận tiền đền bù. Chính quyền địa phương cũng nên khuyên bảo, thậm chí bày vẽ cho dân làm sao tiêu đồng tiền ấy cho thật sự có ý nghĩa và mang lại hiệu quả cao nhất. Bởi bóng ma tái nghèo vẫn luôn lởn vởn trước mắt bà con.