Dân Việt

Lọc mặn lấy nước ngọt giúp dân

Trần Đáng 07/12/2013 16:22 GMT+7
Gần 400 hộ dân xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) đã được thụ hưởng nước sạch từ Nhà máy Nước Phú Khánh theo mô hình khử mặn lấy nước ngọt (RO) do Tổ chức Lien Aid (Singapore) tài trợ.
Nước ngọt đã về…

Bà Mai Thị Én còn nhớ như in giây phút đầu tiên đứng ngây người nhìn dòng nước ngọt phun tràn từ cái van nước do chính tay bà mở. Bà cho biết việc có nước ngọt từ Nhà máy Nước Phú Khánh khiến bà mừng rơn nhiều ngày. “Sống gần cuối đời người tui mới hết đau đáu cái cảnh đi đổi (mua) từng khối nước ngọt với cái giá cắt cổ để xài” - bà thổ lộ.

Gia đình bà Mai Thị Én giờ đã được dùng nước ngọt  với giá 6.950 đồng/m3 thay vì 60.000 đồng/m3 như trước đây.
Gia đình bà Mai Thị Én giờ đã được dùng nước ngọt với giá 6.950 đồng/m3 thay vì 60.000 đồng/m3 như trước đây.

Bà Én cho biết, nhà bà có 4 người nhưng mỗi tháng dù có hà tiện mấy cũng xài hết 7-8m3 nước ngọt. Trước khi có nước ngọt của Nhà máy Nước Phú Khánh, bà thường xuyên phải đổi nước ngọt để dùng, tính ra trung bình mỗi khối nước ngọt có giá 30.000 - 40.000 đồng. Thậm chí, vào mùa khô hạn, giá nước ngọt được đẩy lên 60.000 đồng/m3. Từ khi sử dụng nước từ Nhà máy Nước Phú Khánh, bà chỉ phải trả mỗi khối nước ngọt là 6.950 đồng. “Thực tế này như mơ!” - bà cười nói.

Không chỉ có bà Én “mơ giữa đời thực”, hàng trăm hộ dân xã Phú Khánh cũng được hưởng thụ nước ngọt với giá ưu đãi. Bà Bùi Thị Mỹ Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Khánh cho biết: “Việc người dân xã tôi có được nước ngọt giá rẻ từ nhà máy nước như “một cuộc cách mạng nước ngọt” với họ”.

Sẽ nhân rộng mô hình

Theo ông Phạm Trung Tính - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre, việc hình thành nhà máy nước khử mặn lấy nước ngọt cung cấp cho người dân xã Phú Khánh là một nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm giúp người dân có nước ngọt giá rẻ để sử dụng trong sinh hoạt. Đây là 1 trong 2 mô hình khử mặn lấy nước ngọt qua màng RO đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Tính cho biết: Địa bàn xã Phú Khánh là nơi vùng sâu, vùng xa, thường xuyên nước sông bị nhiễm mặn cao. Vào mùa khô hạn, để có nước ngọt sử dụng, người dân phải đi mua từng khối nước không qua xử lý với giá đắt đỏ. Cho đến nay nhà máy vẫn chỉ lấy giá nước 6.950 đồng/m3 cho người dùng. Theo ông Tính, giá nước này mang tính chất hỗ trợ là chính, thực tế nếu tính đúng, tính đủ giá nước phải là 32.000 đồng/m3, bởi sản xuất nước ngọt bằng mô hình khử mặn RO là cực kỳ tốn kém. Tuy nhiên, dù gặp nhiều khó khăn nhưng những năm tới tỉnh vẫn nhân rộng mô hình này ra một số xã khác.

Hiện mỗi giờ Nhà máy Nước Phú Khánh sản xuất được 10m3 nước ngọt (nếu lọc mặn qua màng RO). Tuy nhiên lọc mặn lấy nước ngọt theo cách này sẽ khá tốn kém (sử dụng điện năng nhiều, các thiết bị phải thay thế với giá thành khá cao) và lượng nước thu được chỉ đạt 50%. Hiện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Bến Tre đang quản lý vận hành 50 nhà máy nước trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Kinh phí hoạt động từ những nhà máy có hiệu quả sẽ cấp bù cho nhà máy mới đi vào hoạt động, các nhà máy chưa hiệu quả hoặc hiệu quả thấp…

Hơn 8 tỷ đồng cho dự án nước sạch miền núi


Cơ quan Phát triển quốc tế Úc và Tổ chức Plan vừa tài trợ tỉnh Quảng Trị thực hiện dự án về nước sạch và vệ sinh môi trường tại các huyện miền núi Hướng Hóa và ĐaKrông. Dự án được triển khai từ nay đến tháng 10.2017 tại 33 xã miền núi của 2 huyện trên với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đến năm 2017 có gần 39.000 người tại các huyện này thực hành rửa tay bằng xà phòng; 70% thôn, bản bỏ thói quen phóng uế bừa bãi; gần 55.000 người được tiếp cận với nước sinh hoạt được xử lý; 4.200 học sinh được sử dụng các cơ sở vệ sinh đạt chuẩn…

AN SƠN