Ngày 2.12, tại hội nghị khoa học Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS lần thứ 5 với chủ đề "Hướng tới không còn người nhiễm HIV mới," do Bộ Y tế tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, số người nhiễm mới HIV, số bệnh nhân AIDS và số người chết do AIDS của Việt Nam giảm liên tiếp trong 4 năm qua là một thành tựu lớn.
Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến tháng 9-2013, số ca nhiễm HIV ở nước ta giảm 22% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy giảm từ 30% (năm 2002) xuống còn 12,7% (năm 2012) và tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người bán dâm giảm 5% (năm 2002) xuống còn 2,7% (năm 2012). Tính đến ngày 30.9.2013, cả nước có hơn 218.400 người nhiễm HIV còn sống; trong đó có hơn 65.700 người ở giai đoạn AIDS và 66.116 trường hợp tử vong do HIV/AIDS.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã liên tiếp khống chế được tốc độ gia tăng của đại dịch HIV/AIDS trên cả 3 phương diện: giảm số trường hợp nhiễm mới, giảm số nhiễm từ HIV thành AIDS và giảm số tử vong do HIV/AIDS. Một số khu vực miền núi vẫn tập trung đông người mắc HIV như Nghệ An, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La...
Một trong nguyên nhân đẩy lùi bệnh dịch HIV là Việt Nam đã tăng cường điều trị bằng thuốc retrovirus (ARV) nhằm ức chế sự nhân lên của virus, kéo dài sự sống cho người có HIV/AIDS. Từ năm 2007 đến nay, cả nước có khoảng 74 nghìn người nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV), góp phần giảm tỷ lệ tử vong do AIDS; cải thiện chất lượng sống của người nhiễm và giảm lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là số người điều trị thuốc kháng virus HIV đang có nguy cơ kháng thuốc đang ngày càng gia tăng.
Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ thất bại với điều trị thuốc ARV theo phác đồ bậc một chiếm khoảng từ 5 đến 10%. Nguyên nhân là do người bệnh không tuân thủ quy trình điều trị như: uống thuốc không đúng giờ, đúng liều, đúng cách; không tái khám và vẫn liên quan đến sử dụng ma túy. Việc virus HIV kháng thuốc làm cho người bệnh tái phát lao phổi, nhiễm trùng nặng do vi khuẩn các bệnh lý, suy giảm hệ miễn dịch.
PGS.TS. Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, không chỉ bệnh nhân bị bệnh nặng hơn mà còn mang tới nguy cơ lây bệnh do chủ quan. Đồng thời, bệnh nhân cũng phải chuyển sang điều trị phác đồ bậc hai, bậc ba với nhiều tác dụng phụ, gây khó khăn cho người bệnh. Khi đó, chi phí điều trị gia tăng nhưng hiệu quả điều trị cũng không cao. Do đó, người bệnh nên cộng tác với cán bộ y tế, thực hiện tốt quy trình điều trị ARV để bảo vệ sức khỏe của mình.