Dân Việt

Cấm thì sống bằng gì!

Anh Đào 17/12/2013 14:03 GMT+7
Khi phụ nữ mang vác vật nặng thì trọng lượng tối đa phải nặng hơn rõ rệt so với mức cho phép đối với một lao động đàn ông” (55kg). Tất nhiên, phải nói rõ đây là một khuyến nghị.
46 năm sau, khuyến nghị này mới được cụ thể hóa ở Việt Nam trong một thông tư của Bộ LĐTBXH quy định “77 việc phụ nữ không được làm”.

46 năm sau, khi ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) thậm chí đã quên khuấy cái khuyến nghị nọ mà vẫn phải nói đến chuyện những “liễu yếu đào tơ” phải lao động nặng nhọc, hoàn toàn thủ công bằng đôi tay, bờ vai thì cũng kể như là chuyện lạ vậy.

Đây là một câu trong khuyến nghị số 128 của ILO đã có từ năm… 1967 với mục tiêu giảm thiểu những tác hại do việc lao động vận chuyển vật nặng gây ra.

Nhìn nhận một cách công bằng, quy định này có mục tiêu tốt đẹp, chẳng hạn là dành sự tốt đẹp cho phái đẹp chẳng hạn. Nhưng ngay chỉ khi báo chí nhắc đến danh mục những công việc bị cấm, ngay lập tức, chính những người phụ nữ đã phản đối.

Trên báo Tuổi Trẻ, một phụ nữ làm nghề kéo cá bảo chị là lao động chính trong nhà, chồng chạy xe ôm ế khách, hai đứa con đang tuổi ăn học, “tôi lại không có trình độ gì, giờ bảo không làm việc này nữa thì tôi đâu có việc gì để làm”.

Người khác bật ra câu hỏi, thực ra là lời than “Cấm thì sống bằng gì!”, “Không làm lấy gì ăn!”

Còn cả xã hội thì băn khoăn rằng “mỹ ý”, rằng “quy định nhân văn” tưởng là bảo vệ phụ nữ, nhưng thực ra lại đang tước đi quyền lao động, tước đi sinh kế của chính họ.

Chưa ai thống kê xem trong số 30 triệu lao động nữ có bao nhiêu phụ nữ đang phải gắn với 1 trong 77 nghề “bị cấm”. Chưa ai trả lời được rằng nếu lệnh cấm được thực hiện thật thì họ sẽ làm nghề gì; làm thế nào để đảm bảo mưu sinh?

Nhà nước bảo đảm quyền làm việc của phụ nữ bình đẳng về mọi mặt với nam giới, không có nghĩa là Nhà nước “bảo vệ” bằng cách không quan tâm đến sinh kế trong thực tế của không ít gia đình. Một xã hội tôn trọng và bảo vệ phụ nữ phải là một xã hội tạo ra những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ, chứ không phải chỉ nói cấm, để cho phù hợp với một quy định văn minh từ gần nửa thế kỷ trước.

Thông tư “77 nghề bị cấm”, vì thế, cũng chỉ nên dừng ở mức khuyến nghị, để chỉ thực thi khi ít nhất không còn một người phụ nữ nào thất nghiệp.