Dân Việt

Hà Nội: Rắn dài 2,5m bên chùa cổ xuất hiện đúng 12h trưa ngày rằm

VTC 23/12/2013 14:50 GMT+7
Anh Nguyễn Văn Tuấn gọi điện thông báo với phóng viên, rằng con rắn chúa còn lại, sau 2 năm trời mất tăm mất tích, đã hiện diện ở vườn cam nhà anh đúng 12h trưa...
Trong khi chúng tôi đang đăng tải loạt bài về cặp rắn chúa kỳ lạ sống trong bụi duối ở xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội), thì một con rắn đã xuất hiện, vào đúng ngày rằm.

Trong câu chuyện về cặp “rắn thần”, thi thoảng xuất hiện ở bụi duối, khu nghĩa địa và vườn cam trên khuôn viên, nền móng ngôi chùa cổ có tên chùa Tân, anh Nguyễn Văn Tuấn cứ tiếc nuối mà rằng: “Chuyện tôi kể là sự thật, thật một trăm phần trăm, nhưng tiếc rằng, tôi không chụp lại ảnh, nên có kể thế nào, có lẽ nhà báo cũng vẫn nghi ngờ.

Tôi chẳng bịa tạc làm gì, vì có bịa tạc tôi cũng chẳng được lợi gì cả. Sau khi báo đăng, có người nói đến tai tôi rằng, tôi cố tình bịa ra chuyện đó, để mọi người sợ “ông” mà không dám đến khu vực nền móng chùa Tân, không dám vào vườn cam nhà tôi, và như thế, tôi chẳng phải mất công trông nom nữa.

Tôi là nông dân, chân chỉ hạt bột, có gì nói thế, chứ bịa làm gì. May mà nhà báo vừa gặp tôi một thời gian, thì “ông” xuất hiện, mà hình như “ông” hiểu mong muốn của tôi đấy nhà báo ạ”.

Con rắn hổ chúa ở bụi duối xã Kim Lan. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn
Con rắn hổ chúa ở bụi duối xã Kim Lan. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn

Khi câu chuyện về cặp rắn đang được đăng tải, thì đúng ngày rằm, vào lúc 12 giờ trưa, trong cái nắng hanh hao của ngày đông, anh Nguyễn Văn Tuấn gọi điện thông báo với phóng viên, rằng con rắn chúa còn lại, sau 2 năm trời mất tăm mất tích, đã hiện diện ở vườn cam nhà anh, đúng trên nền ngôi chùa cũ, cách bụi duối cổ thụ chỉ 10m.

Nghe điện anh Tuấn, phóng viên đã đến hiện trường ngay. Tuy nhiên, khi đến nơi, thì rắn chúa khủng đã bỏ đi mất. Anh Tuấn đã ghi lại hình ảnh bằng điện thoại.

Tuy nhiên, vì không dám đến gần, nên ảnh chụp không được rõ nét. Nhưng qua hình ảnh, có thể thấy rõ đó là con rắn chúa khá lớn, thân to bằng bắp tay, dài chừng 2,5 mét, như lời anh Tuấn mô tả.

Anh Tuấn kể rằng, sau hôm trò chuyện với phóng viên, nhiều đêm anh nghĩ đến con rắn còn lại, mà trằn trọc không ngủ được. Một số người nói đến tai anh Tuấn rằng, anh cố tình bịa chuyện khiến anh bức xúc.

Đêm trước hôm rằm, anh nằm nghĩ mông lung, đầu óc cứ nghĩ đến cặp rắn. Tầm nửa đêm về sáng, tiếng chó sủa ầm ĩ, khiến anh giật mình tỉnh dậy. Trời lạnh mà mồ hôi ướt sũng. Từ lúc đó, anh Tuấn không ngủ được nữa, thức đến sáng luôn.

Sáng hôm sau, đúng ngày rằm, khi mặt trời vừa ló lên, anh đi ra phía bụi duối xem xét. Trước đây, thi thoảng vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch là y rằng anh Tuấn gặp cặp rắn chúa, lúc ở bụi duối, lúc ở nghĩa địa, lúc phơi nắng ở vườn cam của anh, trên nền ngôi chùa cũ. Hôm ấy, theo thói quen, anh đã đi một vòng quan sát.

Tuy nhiên, chẳng thấy bóng dáng con rắn trong bụi duối. Chỉ có tiếng chim hót líu lo trên ngọn cây.

Buổi trưa anh về nhà ăn cơm, rồi ra ra túp lều ngủ và trông nom vườn cam. Vừa đặt lưng, thì đàn chó ở vườn cam nhà anh sủa váng trời.

Con chó này đã sủa ầm ĩ khi rắn hổ chúa xuất hiện
Con chó này đã sủa ầm ĩ khi rắn hổ chúa xuất hiện

Tại vườn cam rộng 1 héc-ta, anh Tuấn đặt mấy chuồng chó. Những chuồng chó này làm bằng sắt, nhốt chó bên trong. Khi có người lạ, chó sẽ sủa, báo cho chủ.

Nghĩ có khách đến, anh Tuấn trở dậy, ngó ra ngoài. Tuy nhiên, nhìn ngó mãi, chẳng thấy bóng dáng ai.

Con đường từ đầu nghĩa địa vào căn lều nhà anh vắng ngắt, thế nhưng, mấy con chó cứ sủa ầm ĩ. Anh tiến đến một chuồng chó ở gần nghĩa địa, thấy chú chó cứ hướng mõm về phía bụi duối sủa. Anh quát tháo, nhưng nó không chịu dừng.

Con chó anh Tuấn nuôi rất hung dữ, khôn ranh, nên anh tin rằng, việc nó lồng lộn sủa ầm ĩ, phải có nguyên cớ. Anh tiến dần về phía bụi duối, theo hướng con chó sủa.

Khi còn cách bụi duối chừng 15m, anh Tuấn bủn rủn tay chân khi thấy “ông rắn” nằm vắt ngang 2 luống cam. Nhìn con rắn, anh Tuấn nhận ra đây chính là “ông rắn” còn lại của cặp rắn vẫn sống ở bụi duối năm xưa.

Bụi duối nơi con rắn bò vào sau khi phơi nắng
Bụi duối nơi con rắn bò vào sau khi phơi nắng

Anh Tuấn khẳng định rằng, đã 2 năm trôi qua, song “ông rắn” này vẫn không có gì thay đổi, không lớn hơn chút nào. Con rắn cũng vẫn dạn người như xưa. Thấy sự xuất hiện của anh Tuấn, song nó cũng không bỏ đi, cứ nằm phơi nắng ở giữa hai luống cam.

Anh Tuấn nhấc máy điện thoại, gọi 4 thanh niên ở xã mình ra chứng kiến. Lát sau, 4 thanh niên này có mặt. Nhìn con rắn to bằng điếu cày, tất cả đều sợ hãi, không dám đến gần.

Anh Tuấn kể: “Tôi đứng đó chừng 40 phút để diện kiến “ông”. “Ông” cứ tự nhiên phơi nắng, không thèm để ý đến sự có mắt của tôi. Tuy nhiên, khi 4 thanh niên trong làng ra xem, thì dường như “ông” không thoải mái lắm. “Ông” ngóc đầu lên nhìn ngó một lát, rồi thong thả bò vào gốc duối. “Ông” biến mất tăm ở bụi duối rậm rạp. Như vậy là “ông” đã trở lại. Tôi chắc chắn sẽ còn gặp lại “ông” vào ngày rằm, hoặc mùng một”.

Theo chỉ dẫn của anh Tuấn, thì con rắn hổ chúa đã bò vào gốc cây duối nhỏ nhất trong số 3 cây duối đứng cạnh nhau. Theo hướng anh Tuấn chỉ, tôi vạch ruộng cam đi theo hướng con rắn bò.

img
img
img

Cây duối này mọc trên một mỏm đất cao hơn mặt ruộng chừng 1,5m, cỏ rậm um tùm, ngay sát nghĩa địa. Nghĩa địa Kim Lan gồm những ngôi mộ xây cao sin sít, cỏ mọc rậm rạp.

Tôi vạch những bụi cỏ dưới gốc duối, nhưng tịnh không phát hiện ra hang ổ, cũng không thấy bóng dáng con rắn đâu.

Với người có chút hiểu biết về loài rắn, thì có thể hiểu được vì sao con rắn hổ chúa khá lớn lại trú ngụ ở đây.

Cả vùng cánh đồng Kim Lan rộng mênh mông, là những vườn cam, vườn quýt, ruộng rau. Phía bờ sông Hồng là những bụi lau lác rậm rạp.

Hổ chúa là loài ăn thịt đồng loại, trong đó rắn chuột là loài chúng thích ăn nhất. Rắn chuột lại hay vào cánh đồng để tìm chuột ăn. Đó cũng là lý do rắn hổ chúa mò vào cánh đồng săn rắn chuột.

Cả cánh đồng rộng mênh mông, có bụi duối rậm rạp, cỏ mọc lút gối, lại ngay cạnh nghĩa địa um tùm cây cối, cỏ dại, là nơi trú ngụ kín đáo của loài rắn. Vì thế, bọn rắn tìm về đây trú ngụ cũng là điều dễ hiểu. Vào những ngày nắng, rắn bò ra vườn cam phơi nắng theo thói quen.

Mặc dù chỉ là con rắn chúa khá lớn trong tự nhiên, nhưng “ông hổ chúa” ở bụi duối, trên nền ngồi chùa cũ ở xã Kim Lan, có lẽ sẽ còn là câu chuyện dài, bởi nó đã được người dân thổi vào nó nhiều chuyện huyền bí.

Những câu chuyện thần bí quanh con rắn này sẽ còn được thêu dệt nhiều. Có điều chắc chắn, là sẽ không ai dám bắt con rắn này nữa.