Dân Việt

Nghỉ Tết 9 ngày: Cân nhắc thêm mặt hạn chế

Minh Nguyệt (thực hiện) 05/12/2013 06:46 GMT+7
Việc Chính phủ đồng ý cho nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 9 ngày, đã tạo ra nhiều ý kiến khác nhau. Nhằm làm rõ thêm vấn đề, phóng viên NTNN đã phỏng vấn PGS-TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học.
Phương án nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 9 ngày vừa được Chính phủ thông qua với mong muốn giảm áp lực giao thông. Ông đánh giá thế nào về lợi ích này?

img

- Nhiều người cho rằng đây là một sáng kiến đảm bảo "3 tốt": vừa tăng kích cầu mua sắm, một mặt giảm áp lực giao thông, đồng thời giúp người dân được vui xuân thoải mái. Tuy nhiên, người ta mới chỉ thấy mặt được mà chưa cân nhắc hết những mặt có thể còn hạn chế.

Nếu nghỉ sớm, lao động phải đi làm sớm sẽ rất uể oải. Chính vì vậy, đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông về cơ bản là có sự thay đổi so với bình thường, nhưng nếu nói phương án này giúp giảm áp lực về giao thông xem ra vẫn chưa thuyết phục lắm.

Vì sao ông cho rằng chưa thuyết phục?


- Bởi thực tế giao thông về tết dồn ứ từ ngày 25 tháng Chạp tới 29 tháng Chạp với hàng triệu người lưu thông, cho nghỉ từ ngày 28 về cơ bản vẫn dồn trong những ngày cao điểm này. Hơn nữa, chưa có chứng minh bằng số liệu việc nghỉ trước sớm hơn 1 ngày sẽ giảm tải thế nào, như lượng người giãn ra đi thế nào, khả năng đáp ứng của các phương tiện giao thông ra sao.

Việc được nghỉ 9 ngày thực chất chỉ giúp doanh nghiệp giảm áp lực lương thưởng cho công nhân?
Việc được nghỉ 9 ngày thực chất chỉ giúp doanh nghiệp giảm áp lực lương thưởng cho công nhân?

Vậy còn vấn đề nghỉ nhiều sẽ kích cầu kinh tế?

- Đúng là nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, người dân đang hạn chế chi tiêu. Tuy nhiên, theo tâm lý chung thì thời điểm cuối năm bao giờ cũng là thời điểm người dân mua sắm nhiều nhất. Nếu tăng số lượng ngày nghỉ, người dân sẽ đi lại nhiều hơn và dĩ nhiên việc mua sắm cũng có thể nhiều hơn, kể cả khi họ phải rút tiền tiết kiệm ra để mua sắm.

Ở góc độ nào đó, mục tiêu này có thể sẽ được thực hiện một phần. Nếu hiểu theo góc độ của những nhà làm chính sách, đây có thể là một biện pháp nhằm điều chỉnh cường độ làm việc và tình hình lương thưởng cho lao động. Có hiểu theo góc độ là khi kinh tế khó khăn, lương thưởng không tăng, vậy thì giảm cường độ làm việc, tăng thời gian nghỉ ngơi cho lao động cũng là một cách để xoa dịu tình hình.

Tóm lại, nếu được nghỉ 9 ngày, ở khía cạnh là người lao động thì ông thấy sao?


"Đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông về cơ bản là có sự thay đổi so với bình thường, nhưng nếu nói phương án này giúp giảm áp lực về giao thông thì xem ra vẫn chưa thuyết phục lắm”.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình

- Tôi được biết khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động có quyền lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm. Tuy nhiên, việc tăng số lượng ngày nghỉ lên 9 ngày (5 ngày nghỉ, 2 ngày nghỉ cuối tuần, 2 ngày lao động phải làm bù) cũng là phù hợp, không hề có sự mâu thuẫn gì ở đây.

Tất nhiên, dù là linh hoạt nhưng các đơn vị và cơ quan quản lý cũng cần lưu ý sắp xếp ngày làm bù cho phù hợp, bởi lao động sẽ không thể làm bù hai ngày liên tục.

Vậy theo ông, các đơn vị cần phải làm gì để tận dụng hết hiệu quả của 9 ngày nghỉ tết này?


- Về cơ bản nghỉ tết 9 ngày, đối tượng công nhân viên chức sẽ không bị tác động nhiều bởi họ có thể thoải mái hơn trong việc bố trí lịch thăm thân, mua sắm. Tuy nhiên, đối tượng công nhân hoặc doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất kinh doanh cũng sẽ bị tác động tương đối nhiều.

Vì vậy, các doanh nghiệp cũng nên chú ý để điều chỉnh dây chuyền sản xuất và bố trí lại lao động. Một mặt để cung ứng đủ sản phẩm cho thị trường, mặt khác đảm bảo thời gian làm việc và vui xuân cho lao động.

Xin cảm ơn ông!