Thương hiệu 135
Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hà Hùng cho biết, CT 135, giai đoạn II triển khai thực hiện trên địa bàn 1.958 xã, 3.274 thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của 396/690 huyện thuộc 50/63 tỉnh.
Nguồn vốn lồng ghép Chương trình 135 đã tạo ra bộ mặt mới cho bản tái định cư Lán Lỷ, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, Sơn La. |
Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội các xã, thôn, bản ĐBKK, thay đổi một bước bộ mặt vùng dân tộc và miền núi (DT&MN). Để thực hiện được CT 135, giai đoạn II, Chính phủ đã huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế là hơn 22.000 tỷ đồng.
Nguồn lực huy động được đã được bố trí để thực hiện 4 nhiệm vụ chính của CT 135, giai đoạn II gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở; nâng cao trình độ quản lý hành chính và kinh tế, đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức về pháp luật...
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Giàng Seo Phử, cùng với các chính sách dân tộc khác trong giai đoạn 2006-2010, CT 135 giai đoạn II đã góp phần giảm tỉ lệ nghèo vùng DT&MN từ 47% năm 2006 xuống còn 28,8% năm 2010. Nói về CT 135, giai đoạn II, ông Nguyễn Minh Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) chia sẻ: “Ở quê tôi người ta hay gọi cầu 135, đường 135, trạm xá, trường học 135. CT 135 đã trở thành “thương hiệu”.
Cần thiết có Chương trình 135, giai đoạn III
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã đề nghị Chính phủ cần xây dựng một chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững cho vùng DT&MN. Bởi hiện nay, vùng DT&MN vẫn còn nhiều khó khăn so với các vùng khác.
Theo ông Christophe Bahuet - Phó Giám đốc Quốc gia chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thì những kết quả đạt được từ CT 135, giai đoạn II chỉ mới tạo dựng nền móng ban đầu cho vùng DT&MN. Vùng này vẫn còn tỉ lệ nghèo, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, thất học... cao nhất trong các nhóm nghèo.
“Chính phủ Việt Nam cần có một chương trình tiếp theo sau khi kết thúc CT 135, giai đoạn II. Cần phân tích thực trạng đói nghèo của mỗi dân tộc thiểu số. Chương trình mới cần có cái nhìn đa chiều hơn về nghèo đói ở vùng DT&MN, không nên chỉ nhìn đơn thuần vào nghèo đói về thu nhập như hiện nay. Chương trình mới cần có cái tầm nhìn dài hạn, tránh chồng chéo, phân tán nguồn lực như những hạn chế đã chỉ ra trong CT 135, giai đoạn II”- ông Christophe Bahuet khuyến nghị.
Theo dự toán, từ năm 2006-2010 dành 29.000 tỷ đồng đầu tư cho CT 135, giai đoạn II, nhưng đến nay mới chỉ có hơn 14.000 tỷ đồng giải ngân. Đây cũng là nguyên nhân khiến CT 135, giai đoạn II chưa đạt được 4/9 chỉ tiêu đề ra.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử cho biết, UBDT đang chủ trì giúp Chính phủ xây dựng chương trình giảm nghèo tại vùng DT&MN. Chính phủ chưa có tên mới, nhưng tạm gọi là CT 135, giai đoạn III với tầm nhìn dài hạn, nguồn lực đầu tư tập trung hơn, lớn hơn.
CT 135, giai đoạn III xây dựng trên cơ sở rà soát lại CT 135 giai đoạn II, bổ sung và ban hành mới bộ tiêu chí các xã đặc biệt khó khăn cho phù hợp với từng vùng, miền và căn cứ vào tiêu chí nghèo mới.
Theo đó, xã càng khó thì định mức đầu tư cao hơn, xã ít khó khăn thì có định mức đầu tư thấp hơn. Đối tượng được thụ hưởng của CT 135 giai đoạn III sẽ được mở rộng hơn.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng
Nguyễn Công