Tôi biết không ít bà mẹ ở Việt Nam hiện đang rất ám ảnh với chuyện ăn uống của con mình. Trên nhiều diễn đàn, các mẹ “gào thét” vì con lười ăn, ăn ngậm. Ở nhà, các mẹ thường dành rất nhiều thời gian đưa trẻ đi rong khắp nhà nọ, nhà kia, mở đĩa nhạc, quảng cáo để bé tập trung ngồi một chỗ chỉ với mục đích…bé có thể ăn hết bát cơm, bát cháo đã nguội ngắt sau nhiều giờ.
Theo quan điểm của nhiều mẹ, nếu không ăn đủ các bé sẽ bị suy dinh dưỡng, thiếu cân, ốm yếu…Và hậu quả là, càng ép bé càng sợ ăn, càng coi bữa ăn là một điều gì đó rất khủng khiếp. Ngay trên truyền hình quốc gia, một hãng Cốm vi sinh nào đó cũng vô tình “tuyên truyền” hình ảnh 3 mẹ săn đuổi 3 đứa trẻ lười ăn với bát cơm trên tay rất phản cảm.
Và khi mệt mỏi với việc ép con ăn ở nhà, các mẹ đã mang cái “kỳ vọng” ấy giao cho các cô giáo ở trường mầm non. Như một cách “tự kỷ ám thị” các cô giáo luôn nghĩ rằng, phải cho các bé ăn hết khẩu phần bằng mọi cách thì mới “thỏa lòng” các bậc phụ huynh đáng kính của mình.
Tôi cũng là một người mẹ có 2 con đang học tại trường mầm non (một bé 2 tuổi và một bé 4 tuổi). So với các bạn cùng trang lứa, hai bé nhà tôi nhỏ bé hơn nhưng chắc chắn và trộm vía…ít bị ốm. Tôi chưa bap giờ ép các con ăn, tôi cho chúng ăn theo nhu cầu, theo sở thích. Tôi cũng đã từng đấu tranh rất nhiều với ông bà nội ngoại vì có buổi đã để con không ăn gì, chỉ vì chúng không muốn ăn.
Ngày đầu tiên tôi đưa con đến trường và việc đầu tiên tôi làm là dặn các cô giáo: “Đừng ép cháu ăn khi cháu không muốn”. Các cô còn nhìn tôi cười khúc khích như một người mẹ “ngoài hành tinh”. Chắc vì trước đó chưa có bà mẹ nào dặn họ không cho con ăn nếu nó không muốn như tôi. Nhưng tôi vẫn nhấn mạnh với các cô là không ép, khi nào cháu đói cháu sẽ tự đòi ăn, nếu một ngày có ăn được một bữa cũng không sao, tôi sẽ cho cháu ăn bù vào bữa tối.
Và con tôi những ngày đầu không quen với thức ăn ở trường hầu như ngày nào cũng chỉ ăn được bữa phụ. Dần dần sau đó, cháu cũng quen và ăn đều vào các bữa, nhưng mỗi bữa chỉ được một chút.
Tôi thấy, câu đầu tiên hầu như mẹ nào cũng hỏi cô khi đón con là: “Hôm nay con có ăn được không cô? Có ngủ được không?” và để yên lòng cha mẹ, hầu như các cô đều nói: “Con ăn tốt lắm, cháu ăn hết khẩu phần”. Để đỡ phải “nói dối” đương nhiên bằng mọi cách các cô sẽ ép trẻ ăn.
Tại sao các mẹ lại nghĩ rằng bản thân mình đã thất bại về việc chăm con thì người khác lại có thể chăm con tốt hơn mình? Tôi thì tin rằng, nếu các mẹ không đặt quá kỳ vọng vào việc nhà trường sẽ có một cuộc “cách mạng” làm thay đổi con mình thì các cô giáo sẽ không bị áp lực khiến phải…bạo hành trẻ.
Diễn đàn: Làm gì để bảo vệ trẻ khỏi bị bạo hành?Từ các vụ bảo mẫu bạo hành trẻ dã man, chấn động dư luận, những ông bố, bà mẹ thông thái hãy cùng bàn các giải pháp để bảo vệ con trẻ được an toàn. Mọi ý kiến hiến kế của độc giả xin gửi về địa chỉ hòm thư baodanviet@gmail.com. |