Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, việc sáp nhập các bộ ngành như vừa qua không giảm được biên chế mà chỉ giảm được đầu mối trên danh nghĩa. Dù nhiều cơ quan áp dụng khoa học công nghệ nhưng vẫn không giảm được người làm. “Về huyện về xã, đi đâu cũng nói tăng biên chế, tăng lương thì làm sao lo được” – ông Vượng lo lắng. Báo cáo của Ban chỉ đạo sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 48 cũng có đoạn đánh giá: “Nhiều bộ thành lập tổng cục, cục chưa phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, số lượng thứ trưởng, phó vụ trưởng ở một số bộ tăng quá quy định của Chính phủ”.
Là thành viên Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 48, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc cải tiến, tổ chức bộ máy nhà nước nên được xem là trọng tâm của trọng tâm trong 5 năm tới, sao cho khoa học, đảm bảo quản lý và phát huy dân chủ.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu ra định hướng cho thời gian tới là: Xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất và năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ để phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” được thực hiện bình thường trong bố trí, sử dụng cán bộ.
Về định hướng xây dựng hệ thống pháp luật trong 5 năm tới, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng. Đáng chú ý, về công tác giải phóng và đền bù đất, ban Thường vụ Quốc hội đặt mục tiêu: Hoàn thiện chế độ sở hữu đối với đất đai, pháp luật về đất đai, minh bạch quy hoạch đất, bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp. Nhà nước chỉ thu hồi đất của nông dân vì mục đích công cộng được định nghĩa hẹp (như mục đích phục vụ an ninh, quốc phòng, giao thông công chính...). Trong tất cả các dự án có tính thương mại khác chủ đầu tư phải thương lượng để mua lại quyền sử dụng đất của nông dân theo giá thoả thuận.
Sỹ Lực