Dân Việt

Thực tế phũ phàng nhìn từ vụ bảo mẫu hành hạ trẻ dã man

Diệu Linh 18/12/2013 17:23 GMT+7
Một trong những quyền trẻ em mà Việt Nam đã có Công ước cam kết với quốc tế là quyền đi học trong các trường học an toàn, thân thiện, được yêu thương, được chăm sóc nhưng thực tế lại phũ phàng.
Thực ra, 2 ngày nay, tôi có xem clip bảo mẫu hành hạ trẻ, đọc nhiều comment phẫn nộ của các ông bố, bà mẹ trên các trang báo cũng như trên Facebook. Nhưng tôi chỉ buồn, không sốc, không tức tối đến mức muốn ăn tươi nuốt sống các bảo mẫu lầm lỡ kia.

img

Buồn vì chính sách nước nhà chỉ cho các bà mẹ nghỉ 6 tháng, sau đó buộc họ phải đi làm nếu như không muốn mất việc-mất miếng cơm. Vì thế, sau 6 tháng, họ buộc lòng phải tìm nơi gửi gắm trẻ. Thông thường, các cặp vợ chồng trẻ sẽ nhờ đến sự trợ giúp của bà nội, bà ngoại, của người giúp việc nhưng không phải ai cũng còn đủ bố mẹ hoặc gần bố mẹ để nhờ, càng không nhiều người có đủ tiền thuê người giúp việc.

Trách những nhà trẻ công không nhận những trẻ quá bé, chưa biết ăn cháo, ăn cơm, nhà trẻ công cũng chỉ nhận những trẻ của các gia đình có hộ khẩu ở địa bàn còn những bà mẹ lên phố kiếm sống, là người tạm trú cũng không “có chỗ” cho con ở những nhà trẻ công. Vì thế, họ buộc lòng phải tìm nhà trẻ tư bên ngoài để gửi.

Khi ít tiền, họ sẽ tìm đến những nhà trẻ tư chật chội, dấm dúi, không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên cũng không được đào tạo. Các nhà trẻ này “thấy cung” thì “cấp cầu”, vì miếng cơm manh áo tức thời, chứ họ thừa hiểu, họ không đủ điều kiện để mở trường, có đi xin cũng chẳng ai cấp phép nên các nhà trẻ này, đương nhiên là không có phép. Và khi không có phép, biết rằng chẳng ai quản lý mình, nhòm ngó đến mình, các bảo mẫu sẽ tùy tiện trong cách hành xử với các cháu. Họ cho rằng mình không nằm trong “hệ thống” nên cũng sẽ không tự “răn mình” ứng xử cho xứng với vai trò là “người mẹ thứ hai”.

Trước đó, bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (TP Hồ Chí Minh – đánh trẻ bị chấn thương đến chết) chưa học hết lớp 8, làm mẹ khi vẫn còn là trẻ con, từng có tiền sử hành hạ con mình, cũng vì miếng cơm manh áo mà làm nghề giữ trẻ. Cuộc sống của cô ta cũng túng quẫn, nhọc nhằn, sự cộc cằn, bạo lực cũng từ đó mà ra.

Bảo mẫu 9x: Không ăn lại thứ đã ói thì lấy đâu ra ăn tiếp

Cũng nhiều bà mẹ cho rằng “đã chấp nhận làm nghề giữ trẻ thì phải yêu trẻ, phải biết chăm sóc trẻ” nhưng 1 mẹ 1 con mà nhiều lúc mẹ còn khộng kiềm chế nổi tức giận, đánh con bôm bốp, chửi con thậm tệ.

2 cô trông 20 đứa trẻ, trong điều kiện khó khăn, chật chội, hoàn cảnh nheo nhóc, liệu các cô có còn đủ kiên nhẫn, đủ tình yêu? Với mục tiêu “nhồi” cho 20 đứa trẻ ăn, khắc các cô sẽ “tự phát” sáng tạo ra nhiều kiểu dọa dẫm, đánh đập, nhồi nhét. Lần đầu có kết quả thì sẽ khắc có lần 2, lần 3… Và tôi chắc rằng, tại các nhà trẻ tự phát, tình trạng này sẽ không hiếm.

Nhà trẻ “tra tấn” Phương Anh bị đóng cửa, 20 bà mẹ đau xót, tức giận nhưng cũng là 20 nỗi lo lắng không biết gửi con chỗ nào. Lại loanh quanh, luẩn quẩn sẽ lại tìm một nhà trẻ tư tự phát của cô A, cô B nào đó mà “nhắm mắt đưa chân” với mức phí 1-1,2 triệu/tháng kể cả tiền ăn, với nhà cửa tạm bợ, không đảm bảo an toàn, các cô không được đào tạo, không có sự kiểm soát, ai biết, sẽ có thêm những em nào bị bạo hành hay nhưng tai nạn khủng khiếp nào đang trực chờ các em nhỏ ngây thơ?

Mỗi ngày một câu chuyện buồn về trẻ em bị hành hạ đến thương tích, đến chết. Mà những người đang tâm xuống tay với các em lại chính là “mẹ hiền”. Tuy nhiên, nếu xã hội cứ chạy theo từng vụ việc và xử lý kiểu “vuốt đuôi”, cho ra các giải pháp “tình thế” thì sẽ tiếp tục xảy ra bạo hành với trẻ nhỏ trong trường mẫu giáo.

Một trong những quyền trẻ em mà Việt Nam đã có Công ước cam kết với quốc tế là quyền đi học trong các trường học an toàn, thân thiện, được yêu thương, được chăm sóc nhưng thực tế lại phũ phàng.

Vì thế, nếu giận, tôi sẽ giận vì sao nhiều trẻ em bị tước bỏ một quyền cơ bản như vậy. Tôi sẽ ước, mỗi đứa trẻ sinh ra đã có thể tìm được “chỗ đứng” trong một ngôi trường an toàn, cô giáo thân thiện hơn là chỉ trách giận, lên án một vài người.