Lâu lắm rồi mới có một trường hợp khách hàng bị phạt vì khai không đúng sự thật... thế mà vẫn rất vui. Đó là một người đàn ông trạc ngoại ngũ tuần.
Ảnh minh họa từ internet
Đã chuẩn bị trước để đón vị khách này, nên sau khi xem chứng minh thư và giấy hẹn của ông, tôi vào đề ngay:
- Anh phải nộp phạt rồi mới được nhận kết quả!
Vị khách có vẻ ngạc nhiên:
- Tại sao tôi lại bị phạt?
Tôi giải thích:
- Anh đã đưa một người phụ nữ không phải là mẹ đứa trẻ vào xét nghiệm. Anh có nhớ là trước khi anh đặt bút điền vào đơn xin xét nghiệm cha con chúng tôi đã lưu ý anh rằng: nếu có thêm mẹ sẽ được giảm lệ phí, nhưng nếu người phụ nữ đưa vào không phải là mẹ thật sự của đứa bé thì khách hàng sẽ bị phạt gấp đôi…
Vị khách cướp lời tôi:
- Vâng tôi nhớ chứ.
- Anh bị phạt vì thế đấy. Người phụ nữ mà anh khai là mẹ đứa bé không phải là mẹ của nó. Không nhẽ vì muốn giảm lệ phí mà anh đã mượn một người bạn gái đến đóng vai người mẹ?
Người đàn ông thanh minh nhưng nét mặt có vẻ rất vui:
- Chết ! Chị đừng nghĩ như vậy. Tôi không hề có ý đó.
- Hay là anh thừa tiền, sẵn sàng chịu phạt để thử xem chúng tôi có phát hiện được đó là người mẹ giả hay không?
Người đàn ông không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi mà có vẻ phấn chấn nói:
- Các chị phát hiện được sự thật này thì tốt quá rồi, tôi sẵn sàng nộp phạt. Chị cho tôi biết tôi bị phạt bao nhiêu?
Thấy thái độ như mừng vì được phạt của anh, tôi nói:
- Tôi sẽ quyết định mức phạt với anh sau khi anh giải thích cho tôi vì sao anh lại khai như vậy.
Ông khách bắt đầu kể:
- "Nói ra thì xấu hổ nhưng thói xấu của đàn ông thì khó sửa lắm chị ạ. Năm ngoái tôi có công chuyện ở biên giới Lạng Sơn. Tình cờ tôi quen một cô gái tên là Thoa. Mới đầu chúng tôi xưng hô với nhau là chú cháu, sau chuyển thành anh em và nhanh chóng gần gũi nhau. Chị tính, đàn ông như tôi mà gặp một cô gái trẻ sẵn sàng sà vào lòng mình thì làm sao cưỡng lại được… Sau đó chúng tôi chia tay nhau, cô ta đi lấy chồng còn tôi về Hà Nội.
Tưởng rằng mọi chuyện sẽ lùi về dĩ vãng, ai ngờ gần đây Thoa cho người về Hà Nội tìm tôi, báo tin là cô ta đã sinh con và khẳng định đó là con của tôi. Tôi bị choáng. Người đưa tin cũng chẳng khách khí gì khi yêu cầu tôi phải có trách nhiệm với đứa trẻ và việc đầu tiên là gửi ngay cho Thoa vài triệu đồng để cô ta nuôi con. Ngậm bồ hòn làm ngọt, dù bán tín, bán nghi, tôi vẫn phải móc túi gửi tạm cho Thoa một triệu. Tôi hứa sẽ lên thăm hai mẹ con sau.
Tôi thu xếp công việc, tìm đến nhà Thoa. Trong nhà lúc đó có hai vợ chồng. Đã gần trưa mà người chồng vẫn đang ngủ. Nhìn thấy tôi, Thoa vội kéo tôi ra ngoài cổng như không muốn cho chồng biết. Tôi hỏi ngay:
- Đứa trẻ đâu?
Thoa khẽ khàng buồn bã nói:
- Em gửi nó đi rồi. Chồng em bảo không phải là con nó, nó không nuôi. Sau khi sinh con, em bị sốt cao uống nhiều kháng sinh quá nên mất sữa. May mà bà chị họ cũng sinh cùng thời gian đó nhưng không giữ được con, vì vậy chị ấy sẵn sàng nuôi con giúp em. Chỗ tiền hôm nọ anh gửi lên, em đã chuyển hết cho chị ấy.
Tôi đề nghị Thoa đưa tôi đi xem mặt đứa trẻ, cô ta sẵn sàng ngay. Cái nhà mà cô ta gọi là của bà chị họ thật đơn sơ. Vừa vào đến ngõ, Thoa đã đánh tiếng:
- Bố thằng bé lên thăm nó đây.
Trong nhà có một người đàn bà và một đứa trẻ. Đứa trẻ đang nằm trên giường, thấy chúng tôi bước vào, người đàn bà vội bế đứa trẻ lên ôm chặt vào lòng.
Thoa tiến lại gần người đàn bà, vuốt ve đứa trẻ rồi nói:
- Chị nuôi hộ con cho em, anh ấy sẽ thường xuyên gửi tiền cho chị.
Nói xong Thoa dúi vào tay chị ta tờ một trăm ngàn. Chị ta nắm chặt tay lại, gật gật đầu, cúi xuống nhìn đứa trẻ. Chị ta chỉ liếc nhìn tôi rất nhanh đúng một lần và chẳng nói chẳng rằng. Tôi ngắm đứa trẻ, nó chẳng có một nét gì của tôi, tôi có một linh cảm rất rõ ràng rằng nó không phải là con tôi…Tôi xin được bế đứa trẻ nhưng người đàn bà nhất định không đồng ý, cứ ôm khư khư như sợ tôi cướp mất thằng bé…
Tôi lại ra về mang theo bao nỗi băn khoăn: Tại sao người đàn bà không nói gì? Tại sao cô ta không cho tôi bế đứa trẻ, đứa bé có phải con tôi không? Trông nó chẳng giống tôi một tí nào? Những điều Thoa nói có cái gì đó không thật. Nhưng thật giả đến mức nào, tôi chưa rõ được. Tôi quyết định phải tự mình điều tra cho rõ mọi điều.
Tôi trở lại Lạng Sơn. Lần này tôi không đến nhà Thoa mà đến một quán nước gần nhà chị họ của Thoa. Lân la trò chuyện và tỏ ra là một người khách hàng hào phóng, tôi đã thu thập được một số thông tin về người mà Thoa gọi là “bà chị họ”. Người phụ nữ này đã bị mất tiếng sau một tai nạn, cha mẹ cô đã mất sau tai nạn đó. Cô sống đơn độc và không có chồng. Gần đây cô ta có sinh một đứa con, nhưng bố nó là ai, thì chỉ có trời mới biết. Thời gian gần đây, có một người con gái trẻ hay đến thăm mẹ con cô ấy…
Những thông tin ít ỏi trên không đủ để giải đáp được những khúc mắc trong lòng tôi. Tôi lại tìm đến một quán cơm bụi gần nhà Thoa. Tại đây tôi được biết thêm một số chi tiết về Thoa. Đúng là Thoa vừa mới sinh con thật. Chồng của Thoa là một tay nghiện hút, hai vợ chồng luôn luôn to tiếng với nhau. Mỗi lần cãi nhau là một lần Thoa phải hứng chịu những trận đòn trời giáng. Nghe nói, hình như đã có lần Thoa suýt bị sẩy thai vì thằng chồng độc ác, vũ phu và nghiện ngâp kia. Người ta bảo rằng, Chồng Thoa có thể làm bất cứ chuyện gì, kể cả là giết người, miễn là có tiền để thoả cơn nghiện. Mọi người quanh đây chẳng ai muốn dây vào cái nhà ấy. Ai đời, vợ đẻ mà tuyên bố cấm cửa không cho ai đến thăm nom. Thế mới lạ chứ! Chẳng biết hai mẹ con cô ấy khỏe mạnh, ốm đau, hay sống chết thế nào nữa.
Nghe chuyện, thực lòng tôi thấy Thoa thật bất hạnh, thật đáng thương nhưng rõ ràng Thoa đang dồn tôi vào tình huống khó xử và đang lừa dối tôi. Hai người phụ nữ sinh con cùng một lúc mà chỉ có một đứa trẻ. Vậy ai mới thật sự là mẹ của đứa bé. Nếu đứa bé không phải là con của Thoa, thì đương nhiên nó không phải là con tôi. Nhưng nếu thực sự như lời Thoa nói thì con của tôi hiện đang phải sống cậy nhờ vào người đàn bà tật nguyền, nghèo khó và câm lặng kia. Thật là tội nghiệp cho nó quá.
Trằn trọc nhiều đêm, tôi đi đến một quyết định mà tôi cho rằng hết sức đúng đắn, đó là phải tìm cách xác định xem đứa trẻ có phải con tôi không? Nhiều người nói với tôi rằng: Chỉ có ADN mới giup được tôi làm viêc này. Tôi hay xem phim, và trong nhiều bộ phim tôi thấy người ta hay nói đến ba chữ ADN. Lúc đó, ADN là một cái gì đó hết sức xa lạ, hết sức trừu tượng đối với tôi. Tôi không thể tưởng tượng được là có lúc chính bản thân mình lại cần đến xét nghiệm ADN. Cho đến bây giờ, sau một thời gian tìm hiểu, tôi mới biết được rằng chỉ có xét nghiệm ADN mới khẳng định được đứa trẻ kia có phải là con tôi không. Tôi bắt đầu tích cực đi tìm nơi làm chuyện này. Và chị biết không, lúc tôi nghe nói ở Vĩnh Phúc có một trung tâm phân tích ADN, tôi liền tìm mọi cách để đưa Thoa cùng đứa bé về Vĩnh Phúc. Tôi thuê một chiếc taxi chạy thẳng đến tỉnh Vĩnh Phúc. Lúc xe đi được nửa đường, vô tình cậu lái xe biết được mục đích chuyến đi của tôi, câu ấy cười phá lên và nói:
- Bác ơi, trên Vĩnh Phúc làm gì có được một trung tâm hiện đại như thế, phải ở Hà Nội hoặc ở một thành phố lớn nào đó mới có trung tâm phân tích ADN. Mà ở Hà Nội cũng có khu Vĩnh Phúc đấy, bác thử gọi 1080 hỏi xem, rồi hãy quyết định có đi tiếp không?
Nghe cậu lái xe nói có lý, tôi làm theo, và thế là xe của tôi quay về Hà Nội, rồi đến đây...
Chị có nhớ hôm chúng tôi đến đây làm thủ tục xét nghiệm không? Tôi thì tôi vẫn nhớ rằng khi chị gợi ý làm thêm cả mẹ cho rẻ, cô ấy dứt khoát không chịu, nhưng bị tôi ép quá. Vả lại, chị cũng có nói là dùng mẫu của mẹ để làm đối chứng thôi, chứ không cần kết luận quan hệ mẹ con, nên cô ấy đành phải nghe theo.
Nói thật với chị là bản thân tôi lại rất cần biết cô ấy có thật sự là mẹ của thằng bé không. Theo suy diễn của mình, tôi thiên về khả năng người đàn bà câm kia mới chính là mẹ nó. Vì vậy, viêc tôi ép cô ấy cho mẫu để xét nghiệm hoàn toàn không phải vì muốn được giảm lệ phí. Cũng may, Thoa không đủ tinh khôn như những cô gái tỉnh thành, nên mới chịu cho mẫu và vì vậy, sự thật mới bại lộ…
Chuyện của tôi là như vậy đó, chị thấy có đau đầu không? Bây giờ, chắc chị đã hiểu vì sao tôi lại mừng vì bị nộp phạt rồi chứ?".
Tôi nói:
- Như vậy là anh cũng mang máng đoán được Thoa không phải là mẹ đứa bé?
- Vâng, nhưng phải đến lúc này tôi mới dám chắc là mình đoán đúng. Bây giờ, nghĩ lại tôi đoán là con của Thoa đã chết sau những trận đòn chí tử của người chồng nghiện ngập và tôi cũng như Thoa chỉ là những nhân vật trong màn kịch mà hắn dựng lên để tống tiền tôi. Tay này cũng ranh ma thật. Hắn chọn một người đàn bà câm đóng vai bà chị họ để dễ bề bưng bít. Cấm mọi người đến nhà sau khi vợ đẻ…. Bây giờ, vở kịch đã hạ màn. Tôi thật sự đã thanh thản. Chỉ có Thoa là khổ.
Hôm ở đây ra, trên đường trả cô ta về nhà, cô ta cứ im lặng. Khi gần đến Lạng Sơn, Thoa bỗng thút thít nói:
- Em đã gây cho anh quá nhiều phiền toái và tốn kém… Nhưng xin anh hãy thương em và tha lỗi cho em… Em cũng chỉ là nạn nhân. Em không có cách lựa chọn nào khác là buộc phải… lừa dối anh.
Thoạt nghe hai chữ "lừa dối" tôi tức điên người, định quẳng cô ta xuống đường cho hả giận. Nhưng tôi kịp nghĩ lại khi nhìn thấy bộ mặt đầm đìa nước mắt của Thoa. Dù sao thì chúng tôi cũng đã một thời là bạn của nhau… thế là xe tiếp tục lăn bánh, đưa Thoa về Tận ngõ nhà "bà chị họ". Trước khi chia tay, tôi rút ví đưa cho Thoa một triệu, bảo cô giữ lấy, phòng thân…
Người khách dừng lại một lúc rồi nói:
- Bây giờ tôi xin nộp phạt để được nhận kết quả.
Tôi quay sang cô y tá:
- Cháu trả kết quả cho khách đi và viết giấy phạt như quy định của trung tâm.
Cầm tờ kết quả xét nghiệm với dòng kết luận nổi bật:
“…Không phải là con của bố
…Không phải là con của mẹ”.
Vị khách vui vẻ rút tiền nộp phạt và nói:
- Tôi phải giữ cái kết quả này lại làm bài học nhớ đời chị a. Chưa bao giờ tôi khốn khổ như thời gian qua. Xin cảm ơn chị và những đồng nghiệp của chị.
Chia tay anh, tôi nói đùa:
- Anh là một khách hàng bị nộp phạt nhưng vẫn cười tươi. Đúng là một trường hợp đặc biệt đấy.
Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền (www.cgat.vn)