Dân Việt

Giá phân bón lại diễn biến phức tạp

07/01/2011 20:33 GMT+7
(Dân Việt) - Sau khi giảm nhẹ vào đầu tháng 12-2010, hiện giá phân bón trong nước lại đang diễn biến khá phức tạp.
img
Nguồn phân bón của Việt Nam vẫn phụ thuộc thế giới.

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón VN cho biết, nguyên nhân giá phân bón trong nước thất thường là do diễn biến cũng khá phức tạp của giá phân bón thế giới.

Quá phụ thuộc vào giá thế giới

Giá phân bón urê trên thị trường thế giới những ngày qua đang tiếp tục theo xu hướng tăng so với cùng kỳ tháng 11-2010 do nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu cho mùa vụ ở các nước trên thế giới vẫn khá lớn. Urê Yuzhny (FOB) giá 375-390USD/tấn, tăng 30-35USD/tấn.

Giá urê tại thị trường Hà Nội tăng nhiều nhất, tới 600 đồng/kg (tương đương tăng 6,74%) so với giá trung bình tuần trước lên mức 9.500 đồng/kg. Tại Đà Nẵng, giá urê đạt 9.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg (tương đương tăng 5,88%). Thị trường TP.HCM cũng với mức tăng tương tự, tăng 500 đồng/kg (tương đương tăng 5,56%) so với giá tuần trước ghi nhận tại mức 9.500 đồng/kg.

Do giá phân bón trên thị trường thế giới và nhu cầu phân bón cho vụ sản xuất tới đều đang tăng, thị trường phân bón urê những ngày cuối tháng 12-2010 tiếp tục tăng.

Mức tăng khoảng 500-1.000 đồng/kg so với tháng 11, mức giá dao động phổ biến trong khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg, có địa phương đạt mức giá 9.500 đồng/kg. Dự báo, trong tháng 1-2011, giá phân bón urê trong nước và thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao.

Trong những tuần gần đây, VN đã đặt mua khoảng 100.000 - 140.000 tấn urê của Trung Quốc và Indonesia. Mức giá đưa ra của các nhà cung ứng vào khoảng 390USD/tấn (CFR), nhiều nhà nhập khẩu VN đang đàm phán điều chỉnh giá thỏa thuận giảm xuống mức 380USD/tấn (CFR).

"Sau khi Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu phân bón lên 110%, các nhà xuất khẩu phân bón Trung Quốc đã ồ ạt tăng giá bán phân bón cho VN. Indonesia và nhiều thị trường khác cũng tăng theo" - ông Thúy nói. Trung Quốc hiện là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất sang VN.

Mức tăng giá bình quân của 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2010 đã đạt 150USD/tấn khiến khi quy đổi ra VND thì mỗi tấn phân bón đã tăng bình quân 3 -5 triệu đồng tùy chủng loại.

Bao giờ xong quy hoạch?

Theo ông Phùng Hà - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) để bình ổn được thị trường phân bón cần sớm hoàn thiện và đưa vào thực thi quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng phân bón. "Chúng ta phải chấm dứt việc phụ thuộc quá lớn vào thị trường phân bón bên ngoài" - ông Hà nói.

Theo ông Hà, ngoài phân urê hiện tại sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 20-25%; phân DAP Đình Vũ đáp ứng được khoảng 20%; phân phức hợp NPK đáp ứng được trên 60%. Còn lại nhiều loại phải nhập 100% như kali, SA... Thực tế nói phân NPK đáp ứng được trên 60% nhưng phần lớn nguyên liệu để sản xuất NPK cũng là từ... ngoại nhập.

Về phân phối, hiện nay cũng là "mạnh ai nấy làm, mua đứt bán đoạn". Điều này lý giải tại sao giá đạm Phú Mỹ xuất bán tại nhà máy rẻ hơn giá của thế giới, nhưng khi tới tay nông dân thì giá lại cao ngất ngưởng. Điều này chính là do các đại lý tự làm giá, thiếu cơ chế kiểm soát.

Ông Nguyễn Gia Tường -Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem) cho rằng, Nhà nước nên có các chính sách ưu đãi về lãi suất, vốn vay ngân hàng cho DN và kèm theo là những ràng buộc trách nhiệm cho DN. Còn theo Hiệp hội Phân bón VN, nguyên nhân chính là do chưa có chiến lược phát triển dài hạn. Các số liệu dự báo cung - cầu còn chênh lệch lớn, chưa có cơ quan nào thực sự đứng ra điều tiết hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu và dự trữ phân bón trên bình diện tổng thể để cân đối cung-cầu trong nước.