Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Chân dung người nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH- HĐH và hội nhập” diễn ra tại Hà Nội ngày 5.12.
Hội thảo do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn - Ipsard (Bộ NNPTNT) và Viện Xã hội học (Viện Hàn lâm KHXH VN) phối hợp, tổ chức.
Nông dân đang ăn ít đi Tham luận “Bức tranh nghèo và các thiết chế xã hội trong phát triển nông thôn và giảm nghèo” của ông Hoàng Xuân Thành, đại diện nhóm nghiên cứu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam (VN) khẳng định, nhiều thay đổi tích cực đối với người ND trong những năm qua, như cơ sở hạ tầng được xây mới và nâng cấp; nhà cửa, tài sản cải thiện rõ rệt; tình trạng thiếu ăn giảm mạnh; giáo dục có nhiều tiến bộ...
Thành tích giảm nghèo của VN rất ấn tượng, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức, như bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo còn lớn; tiếng nói và quyền năng của ND còn hạn chế; tăng trưởng kinh tế-động lực chính cho giảm nghèo lại giảm trong 3 năm gần đây mà đối tượng chịu tác động tiêu cực nhất lại là ND.
“Nghèo không đơn thuần là thu nhập thấp mà còn ở góc độ tiếp cận y tế, giáo dục, thông tin... Trong 600 hộ ND được khảo sát trong 5 năm liên tục, cảm nhận của ND về nghèo không những không giảm mà còn tăng lên” - ông Thành thông tin.
Hiện nông dân vẫn ở thế bị động và phải chịu nhiều sức ép.
Tham luận của TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Ipsard nêu, tốc độ giảm nghèo của VN trong 3 năm trở lại đây bắt đầu chững lại, hiện 85% người nghèo là người dân nông thôn, nhất là khu vực đồng bào DTTS miền núi. “Chi tiêu thực của ND từ 2011 tới nay tăng “rất sốc”, nhất là chi tiêu cho giáo dục và y tế. ND cũng giảm chi tiêu cho lương thực, thực phẩm, hay nói đúng ra là họ đang phải ăn ít đi”-TS Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo TS Tuấn thì độ doãng của khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị trong 3 năm nay dường như co lại, nhưng không phải do thu nhập của ND tăng lên mà là do thu nhập của cư dân đô thị giảm xuống...
Tham luận “Một số vấn đề về đời sống văn hóa xã hội nông thôn VN hiện nay” của PGS-TSKH Bùi Quang Dũng - Viện Xã hội học đã nêu lên những mối lo ngại của ND hiện nay ở góc nhìn văn hóa, giáo dục. Theo ông Dũng, chi tiêu cho hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao, giải trí và quan hệ xã hội giữa nhóm giàu và nhóm nghèo (đa số là ND) cách biệt tới 53,6 lần. Những tệ nạn nổi cộm hiện nay ở nông thôn như cờ bạc, rượu chè, trộm cắp, ma túy, thất nghiệp… đang khiến ND bất an. Việc xây dựng hương ước, quy ước được các địa phương soạn theo mẫu làm mất đi nét riêng, trở thành văn bản hành chính và là một trong những nguyên do khiến người dân thờ ơ…
Cần nhận diện rõ nông dânTuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thông tin, chất liệu từ các tham luận trình bày chưa đủ để phác họa nên chân dung xác thực nhất của người ND hiện nay, nhất là cho “khớp” với thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, cần phải nhận diện rõ người ND ở chỉ số phát triển con người. “Nước ta 90 triệu dân nhưng đứng vị trí 127 trên thế giới về chỉ số phát triển con người. Chỉ số phát triển con người quá thấp, đương nhiên nhóm thấp nhất, đông nhất vẫn là ND”.
GSTS. Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH VN khẳng định, Hội thảo chỉ là buổi đầu cho các nghiên cứu, đánh giá về chân dung người ND và việc khắc họa chân dung người ND còn phải được tiếp tục.
|
Nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng: “Phải nghiên cứu, tìm hiểu xem ND đang cần gì, thiếu gì? Trách nhiệm của chúng ta là phải xây dựng cho họ những cái gì? Phải nghiên cứu, đề xuất thật xác đáng để ND thực sự là chủ thể…”.
TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ KHĐT đề nghị: “Có 2 điểm cần phải nghiên cứu thêm về người ND. Đó là chân dung, tâm trạng của ND đối với chính sách đất đai; tâm tư của người ND đối với hệ thống chính trị”.
Ông Phạm Quốc Doanh - Phó Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Chính phủ cho rằng, cần phải có nghiên cứu kỹ về mức độ tiếp cận của ND đối với tài nguyên, các loại dịch vụ, trong đó có dịch vụ công. Ông Doanh đề nghị: “Chưa có một nghiên cứu cụ thể, toàn cảnh về hiện tượng ND ra thành thị. Họ ra thành thị ở đâu, sống thế nào, làm việc gì, có khó khăn gì không”...
Phải xem tại sao ND nghèo. Tôi đi Chiêm Hóa (Tuyên Quang), vào nhà một cụ già gia đình có công với cách mạng thấy vẫn nghèo lắm. Hỏi về thu nhập, cụ liệt kê 1 hồi tôi chia ra thì mỗi ngày gia đình chỉ có thu nhập vài ngàn đồng. Như thế là tự cung tự cấp, nông dân đủ ăn, mặc đủ ấm nhưng không có tiền. Chúng ta nói có nhiều chính sách cho ND, nhưng cũng có chính sách lại làm hại ND. Những vấn đề này cần phải nghiên cứu, làm rõ thì mới mong chân dung người ND sáng tỏ…”. GS Nguyễn Lân Dũng Nông dân chưa được xem là chủ thể chính của nông thôn nên luôn ở vị thế bị động và phải chịu nhiều sức ép trong xã hội. Nhiều chính sách chưa quan tâm đến người ND, sự chèn ép của lãnh đạo địa phương, sức ép của thị trường, của truyền thông và các tổ chức xã hội khác.
Chiếm gần 70% dân số cả nước nhưng người ND chưa có tiếng nói trong xã hội, chính vì vậy họ không thể bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng như các thành viên trong gia đình”. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
|