Dân Việt

Chôn thuốc trừ sâu: Không thể làm ngơ trước tội ác

Chân Tâm 18/09/2013 13:20 GMT+7
Tội ác chôn thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thanh Thái bị vạch trần, mỗi ngày thêm mỗi chứng cứ, có thể nói là “trời không dung, đất không tha”.
Mới đây, đã có luật sư của Hội Luật gia Việt Nam đứng ra tuyên bố giúp bà con bị bệnh ung thư và bệnh hiểm nghèo kiện Công ty Nicotex Thanh Thái. Các luật sư tư vấn cho bà con từng bước cụ thể để thực hiện thủ tục khởi kiện. Người dân có thêm niềm tin để đấu tranh với cái ác mà bao nhiêu năm nay đành phải thúc thủ, bất lực trước thế lực của nó.

Tiếp theo đó, Hội Nông dân một số xã và 2 huyện Cẩm Thủy, Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) cùng lên tiếng sẵn sàng đồng hành cùng nông dân đi tìm công lý. Bởi vì, từ khi Nicotex Thanh Thái chôn thuốc trừ sâu xuống lòng đất, không chỉ người dân bị nhiễm độc sinh bệnh tật mà vật nuôi, cây trồng cũng bị ảnh hưởng. Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Cẩm Thủy và Yên Định cũng khẳng định sẽ hỗ trợ bà con kiện công ty này. Ông Trịnh Ngọc Thanh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Định quả quyết: “Vụ việc này cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Không thể xử lý chung chung trước tội ác rõ ràng như thế được. Nếu vậy sẽ làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng và các cấp chính quyền và làm tình hình càng thêm phức tạp”.

Còn nhớ, trước đây đã có trường hợp Hội Nông dân của 3 địa phương Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ nông dân kiện Công ty Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải gây hại cho sản xuất nông nghiệp. Cuộc đấu tranh đó đã thắng lợi, Vedan phải bồi thường thiệt hại cho bà con. Nông dân, hội viên đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt huyết của lãnh đạo các Hội Nông dân. Sự thành công trong hành trình tìm công lý một phần nhờ vào uy tín của Hội Nông dân của 3 địa phương. Cho nên, đối với vụ chôn thuốc trừ sâu của Công ty Nicotex Thanh Thái, bài học “Hội Nông dân với Vedan” có thể được vận dụng, tất nhiên mỗi nơi sẽ có những sáng tạo phù hợp để đấu tranh có hiệu quả. Mục đích là bảo vệ quyền lợi của nông dân trên cơ sở tôn trọng pháp luật.

Với sự vào cuộc của Hội Nông dân các xã, huyện Yên Định và Cẩm Thủy, chắc chắn Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cũng không thể đứng ngoài cuộc. Như vậy, có thể hy vọng hội viên và nông dân bị thiệt hại sẽ được tổ chức của mình đứng ra hỗ trợ, đòi lại công bằng.

Liên hệ một trường hợp tương tự, Nhà máy Tinh bột sắn Thừa Thiên- Huế xả chất thải độc hại ra môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ nông dân ở xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chính quyền được dân báo nhưng chậm trễ vào cuộc xử lý. Vậy thì ai bảo vệ nông dân bây giờ? Câu hỏi này xin được gửi tới Hội Nông dân địa phương.