Dân Việt

Xã Phúc Lâm quyết về đích trước hạn

Trần Quang 25/10/2013 14:29 GMT+7
Tuy không phải xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng Phúc Lâm (Mỹ Đức, Hà Nội) đang đặt quyết tâm về đích sớm trước thời hạn để người dân sớm được hưởng lợi từ những công trình xây dựng NTM…
Theo kế hoạch, đến hết năm 2030 xã Phúc Lâm mới đạt chuẩn xây dựng NTM (giai đoạn 3). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn – cán bộ UBND xã Phúc Lâm, nếu cứ theo đề án thì Phúc Lâm chẳng cần vội vàng, cứ thong thả chờ các xã giai đoạn 1 và 2 xây dựng đạt chuẩn, rồi mới đến 7 xã giai đoạn 3, trong đó có Phúc Lâm. Song nếu mình cứ đợi như thế, thì người dân sẽ phải chờ đợi lâu.

“Quan điểm của lãnh đạo xã là phải nỗ lực xây dựng NTM nhanh để người dân sớm được hưởng lợi”- ông Tuấn nói.

Đường giao thông liên xã của Phúc Lâm được xây dựng khang trang, hiện đại.
Đường giao thông liên xã của Phúc Lâm được xây dựng khang trang, hiện đại.

Khi bắt tay vào xây dựng NTM năm 2010, Phúc Lâm mới cơ bản đạt 4/19 tiêu chí, nhưng chỉ sau 3 năm thực hiện, Phúc Lâm đã cơ bản đạt 15 tiêu chí, còn 4 tiêu chí chưa đạt là thủy lợi, chợ nông thôn, thu nhập và văn hóa. Ông Tuấn cho biết thêm, trong quá trình triển khai, Phúc Lâm đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về xây dựng NTM nhằm tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng nhân dân. Đơn cử như trong công tác dồn điền đổi thửa, nhờ huy động được sức dân mà chỉ trong thời gian ngắn, địa phương đã hoàn thành.

Theo đề án, Phúc Lâm cần trên 200 tỷ đồng để triển khai các hạng mục công trình xây dựng NTM, nhưng đến nay thành phố và huyện mới cấp được 400 triệu đồng.


Ông Nguyễn Văn Đại – Chủ tịch UBND xã Phúc Lâm cho hay: 2 năm qua, xã đã tổ chức gần 10 lớp dạy nghề và tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT về trồng trọt, chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm cho gần 1.000 học viên, nông dân. Có kiến thức, bà con đã đầu tư vào sản xuất rất hiệu quả.

Ông Đại cho biết thêm, thời gian tới, Phúc Lâm tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân lên hàng đầu. Theo đó, xã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất…