Dân Việt

Nhiều bất cập trong quản lý tôm giống

Thanh Xuân 21/10/2013 06:53 GMT+7
Như NTNN đã thông tin trong loạt bài “Tôm chết, nông dân lâm nợ”, hiện có nhiều kẽ hở trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh tôm giống. Theo tìm hiểu tiếp của phóng viên, việc quản lý tôm giống đang tồn tại rất nhiều bất cập.
Chất lượng tôm giống ngày càng đi xuống

Tôm thẻ chân trắng đang ngày càng được các hộ nuôi trồng thuỷ sản quan tâm phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 7.2013, trong khi diện tích thả giống tôm sú giảm, thì diện tích thả giống tôm thẻ chân trắng tăng (đạt xấp xỉ 24.000ha) với sản lượng thu hoạch đạt 30.000 tấn.

Tôm thẻ chân trắng nuôi ở nhiều vùng bị chết do chất lượng giống không đảm bảo.
Tôm thẻ chân trắng nuôi ở nhiều vùng bị chết do chất lượng giống không đảm bảo.

Ông Phan Tuấn Cự - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho biết, những năm trước đây, thị trường Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu tôm sú, trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nuôi nhiều nhất. Theo tính toán của các chuyên gia thuỷ sản, chi phí sản xuất tôm thẻ chân trắng nguyên liệu thông thường chỉ bằng 40-50% chi phí sản xuất tôm sú.

Tuy nhiên, bên cạnh ưu thế trên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực thuỷ sản, chất lượng giống tôm thẻ chân trắng ngày càng có xu hướng đi xuống, từ nuôi dễ đến khó, phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch, dẫn tới dịch bệnh, thua lỗ. Bên cạnh giống tôm tốt, ở nước ta vẫn còn tồn tại một số giống chất lượng chỉ ở mức trung bình, thậm chí là rất kém như tôm Trung Quốc, Thái Lan, nuôi 3 tháng mới đạt 120 con/kg (trong khi các loại tôm tốt chỉ 2 tháng đã đạt từ 60-100 con/kg).

Đặc biệt, đối với tôm ở Việt Nam, một số doanh nghiệp tự gia hóa tôm bố mẹ từ thế hệ con của đàn bố mẹ nhập rồi cho sinh sản tôm giống, dẫn tới tình trạng phân ly tính trạng, giao phối cận huyết, không sạch bệnh, làm cho tôm còi cọc, chậm lớn. Nếu người nuôi tôm thịt không may mua phải giống loại này, tôm chết ngay còn bị thiệt hại ít, càng nuôi tôm càng không lớn, lỗ vốn càng nhiều.

Phổ biến quy trình kỹ thuật cho doanh nghiệp

Theo thống kê của Tổng cục Thuỷ sản, tính đến hết năm 2012, cả nước có 185 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, sản xuất được khoảng 30 tỷ con. Sang năm 2013 (tính đến hết tháng 5), cả nước có 103 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cung cấp cho thị trường 3,5 tỷ con. Số trại sản xuất tôm thẻ chân trắng chủ yếu tập trung tại các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà và Phú Yên chiếm khoảng 40% trong tổng số trại sản xuất giống tôm và 70% sản lượng của cả nước.

"Hiện công tác quản lý chất lượng tôm giống nhiều nơi kiểm soát chưa chặt chẽ. Một lượng tôm giống không rõ nguồn gốc, tôm giống kém chất lượng không sạch bệnh từ tôm gia hóa được đưa vào nuôi làm lan truyền mầm bệnh khắp nơi. Đây là nguyên nhân chính gây nên dịch bệnh làm thiệt hại lớn cho nghề tôm, do vậy các cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.
Ông Dương Tiến Thể


Vấn đề quan trọng trong việc phát triển tôm thẻ hiện nay, theo ông Phan Tuấn Cự - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, muốn quản lý tốt nghề nuôi, cần quản lý thật chặt việc sản xuất tôm giống, nhất là nguồn gốc tôm bố mẹ. “Việc quản lý con giống không đơn giản, bởi để xác định con giống bố mẹ nhập với con giống chọn từ tôm thịt thì ngay cả chuyên gia trong lĩnh vực thuỷ sản cũng gặp khó khăn. Do đó, việc quản lý sản xuất tôm giống hiện vẫn trông chờ vào “lương tâm” của các nhà sản xuất giống” - ông Cự nhận định.

Trong khi đó, theo ông Dương Tiến Thể - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản (Tổng cục Thủy sản), tình trạng tôm chết ở nhiều địa phương trong những năm gần đây có nhiều nguyên nhân như cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, nhiều nơi mương cấp nước chung với nước thải; chất lượng con giống chưa đảm bảo... đã dẫn tới lây lan dịch bệnh”.

Một bất cập nữa, theo ông Thể là đến vùng nuôi hỏi người dân có áp dụng quy trình nuôi của Tổng cục Thủy sản không, thì thường nhận được câu trả lời chưa biết, mà biết rất nhiều quy trình nuôi của các công ty bán giống, bán thứ c ăn, bán chế phẩm sinh học tổ chức tập huấn tận vùng nuôi. Các quy trình này đều hướng người nuôi đến sử dụng sản phẩm của họ càng nhiều càng tốt nên tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất rất phổ biến, làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. “Do đó, trong thời gian tới chúng tôi đang nghiên cứu phổ biến quy trình kỹ thuật nuôi tới doanh nghiệp” - ông Thể nói.