Nổi cộm tội phạm về ngân hàng Trước đó, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đã trình bày báo cáo về tình hình đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng (PCTN). Theo báo cáo, trong năm 2013, ngành thanh tra đã phát hiện 80 vụ, 90 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 117,5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 117,5 tỷ đồng; đã thu hồi 59 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 4 tập thể, 28 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 11 vụ, 34 đối tượng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo thẩm tra sáng 22.10.
Lực lượng cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 233 vụ, 568 bị can, so với cùng kỳ năm trước tăng 11 vụ và 97 bị can; gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC. Lực lượng cảnh sát điều tra đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 900 tỷ đồng và đã kết luận điều tra 255 vụ, 581 bị can; đình chỉ điều tra 07 vụ, 06 bị can; tạm đình chỉ 9 vụ, 23 bị can; hiện đang điều tra 96 vụ, 230 bị can.
Đáng chú ý nhất là trong năm 2013, tội phạm về ngân hàng diễn biến hết sức phức tạp. Theo báo cáo, các cuộc thanh kiểm tra của ngành thanh tra và kiểm toán đã phát hiện 45 vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng với số tiền vi phạm là 917.161 triệu đồng; đã thu hồi 23.480 triệu đồng; xử lý cán bộ 71 người, trong đó bắt tạm giam 27 người, sa thải 7 người, chuyển công tác khác 5 người, cách chức 5 người và đang xem xét xử lý 7 người.
Cơ chế thanh, kiểm tra bị buông lỏngTrình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện lưu ý: Quá trình giám sát của Ủy ban Tư pháp đã phát hiện tình trạng công tác thanh tra phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ở nhiều địa phương còn rất hạn chế; nhiều tỉnh, thành phố hàng năm tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý nhà nước với thất thoát nhiều tỷ đồng, nhiều ha đất, nhưng lại không phát hiện được tham nhũng hoặc có phát hiện được thì rất ít, phần lớn là các vụ nhỏ lẻ ở cấp xã, thôn.“Nguyên nhân của tình trạng trên đây có phần trách nhiệm, kỷ luật công vụ đối với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, đoàn thanh tra, kiểm toán và thanh tra viên, kiểm toán viên chưa rõ ràng, cụ thể và còn bị buông lỏng trong tổ chức thực hiện” - Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện nhận định.
Ví dụ điển hình là tại một số bộ, ngành, địa phương tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán, nhất là đối với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp công ích, tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhưng lại không phát hiện được tiêu cực, tham nhũng; tuy nhiên, sau đó báo chí, cơ quan điều tra lại phát hiện ra như trường hợp Vinashin, Vinalines. “Mặc dù vậy, các đoàn thanh tra, kiểm toán, thanh tra viên, kiểm toán viên, cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán lại không bị xem xét trách nhiệm và không phải chịu trách nhiệm về việc thanh tra, kiểm toán nhiều nhưng không phát hiện ra tham nhũng”, Chủ nhiệm Hiện cho biết.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Chỉ rõ “địa chỉ”
Báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2013 của Chính phủ cũng có nêu những nguyên nhân, những giải pháp. Nhưng cái quan trọng nhất hiện nay đó là “địa chỉ” tham nhũng chưa được chỉ rõ. Thứ hai là thiếu trách nhiệm của người đứng đầu. Báo cáo có nêu đã xử lý một số người đứng đầu, nhưng mà chỉ rõ “địa chỉ” là tham nhũng nhiều nhất ở ngành nào, địa phương nào, đã xử lý người đứng đầu ra sao thì chưa thấy đậm nét.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM): Phải có chỉ tiêu cụ thể
Theo tôi cần tăng cường công tác kiểm toán, các cơ quan điều tra phải tập trung khám phá, tăng kiến nghị thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, tăng tỷ lệ khởi tố điều tra các vụ án lớn, phức tạp. Bên cạnh đó, các cơ quan điều tra chống tham nhũng chuyên trách thì phải tập trung vào, phải có chỉ tiêu cụ thể. Chứ hiện nay không giao chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ cụ thể thì ta vẫn cứ mơn man bên ngoài thì chỉ đánh tham nhũng vặt thôi.
H.P (ghi)
|