Sắp tới, Bộ NNPTNT và Bộ TNMT sẽ hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn chuyển đổi đất lúa để trình Chính phủ xem xét, quyết định ban hành.
GS - TS Võ Tòng Xuân: Phải liên kết với doanh nghiệp thức ăn chăn nuôiTheo tôi, việc chuyển đổi một phần diện tích đất lúa sang trồng ngô, tự túc được nguyên liệu, giảm ngoại tệ nhập khẩu là rất tốt. Thực tế, nước ta là nước nông nghiệp, không chỉ có thế mạnh về lúa mà cả cây ngô thì tại sao cứ phải đi nhập khẩu nguyên liệu, phụ thuộc vào nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là phải liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để đặt hàng đầu ra cho sản xuất của nông dân. Đồng thời, phải đưa ra hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu ngô nguyên liệu, nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Nếu chuyển sang trồng ngô nguyên liệu cần phải có cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân thì mục tiêu chuyển đổi mới bền vững được.
Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô là một hướng giúp nông dân tăng thu nhập.
TS Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT:Sớm hình thành các vùng sản xuất tập trungHiện Bộ NNPTNT đang phối hợp với Bộ TNMT xây dựng thông tư hướng dẫn, cho phép sử dụng linh hoạt đất lúa để có thể chuyển đổi sang cây trồng khác có lợi thế hơn, nhưng không làm thay đổi công năng sản xuất lúa về lâu dài, đồng thời hình thành các vùng sản xuất ngô, đậu tương hàng hóa tập trung... Trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào tiến bộ khoa học kỹ thuật, có những phương pháp để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhanh nhất, hiệu quả nhất. Những tiến bộ trước hết là về giống, chọn được bộ giống thích hợp nhất đối với từng vùng, đối tượng lựa chọn phù hợp với từng địa phương. Thứ hai là xây dựng thương hiệu, gắn với yêu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, để từ đó xây dựng theo chuỗi giá trị, nâng cao được chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh.
Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT):Cây ngô được lựa chọn đầu tiênTheo tôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng là việc phải làm, nhằm đa dạng hoá cây trồng, giảm áp lực cho cây lúa, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để chuyển đổi được thành công, trước tiên Sở NNPTNT các tỉnh cần căn cứ trên điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để đăng ký chuyển đổi theo quy hoạch và lo đầu ra cho người nông dân. Ngành trồng trọt cũng đã xác định khi chuyển đổi thì cây ngô là lựa chọn số 1, sau đó mới đến cây đậu tương. Để chuyển đổi thành công, theo tôi cây trồng gì cũng cần có sự hỗ trợ về mặt chính sách. Nếu chuyển sang trồng ngô cũng rất cần có chính sách hỗ trợ máy móc, khoa học kỹ thuật để giảm sức lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Các doanh nghiệp cũng cần phải tham gia vào hỗ trợ giống, vật tư, và nhất là tiêu thụ sản phẩm để người dân nhìn thấy trồng ngô có lợi nhuận cao hơn trồng lúa thì chuyển đổi mới thành công và bền vững.
TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long:Năng suất ngô truyền thống vẫn thấpTheo tính toán, giá ngô sản xuất trong nước hiện cao hơn ngô nhập khẩu tới 30%. Sở dĩ có nghịch lý này là do chất lượng ngô của ta vẫn còn chưa đồng đều, độ ẩm cao, dễ bị mốc, mọt. Chưa kể, năng suất các giống ngô trong nước, kể cả ngô lai vẫn còn rất hạn chế, trung bình chỉ đạt 4-4,5 tấn/ha. Bây giờ, nếu chúng ta có chuyển đổi sang trồng ngô, nhưng vẫn trồng các giống năng suất thấp thì sẽ không hiệu quả hơn trồng lúa là bao. Cho nên, chúng ta cần tính toán kỹ khâu này.
Ở các nước họ trồng được ngô có năng suất cao (9-14 tấn/ha) và chất lượng đồng đều là do họ đã ứng dụng các giống ngô công nghệ sinh học (biến đổi gen), vì ứng dụng các giống ngô này sẽ có năng suất vượt trội. Song ở nước ta do chưa cho phép triển khai trồng đại trà giống này, nên chưa thể đưa vào ứng dụng ngay được. Ngay cả khi chuyển đổi chúng ta cũng cần xem xét vùng nào có lợi thế trồng cây gì thì trồng cây đó, chứ không phải cứ chuyển đổi ào ào, có thể xảy ra dư thừa sản phẩm.