Phần xây dựng cơ bản trong báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt VN ghi nguyên văn: "Năm 2011 tiếp tục tập trung vào các dự án đã triển khai trong các năm vừa qua. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chiến lược: Lập dự án đầu tư xây dựng (F/S) đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang Sài Gòn thuộc Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh...".
Đường sắt cao tốc của Nhật Bản. |
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng ban Chuẩn bị các dự án đầu tư của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: Việc lập dự án đầu tư xây dựng có nghĩa là lập dự án nghiên cứu khả thi. Cụ thể, là xem xét dự án có khả thi về kỹ thuật, tài nguyên môi trường, về vốn, trình độ thi công... Nếu thấy dự án khả thi thì mới trình lên Chính phủ rồi Chính phủ trình Quốc hội xem xét. Nếu không khả thi không trình Chính phủ. Trường hợp dự án khả thi nhưng Quốc hội không quyết cũng sẽ không triển khai xây dựng được.
Việc nghiên cứu khả thi sẽ được triển khai thế nào?
- Hiện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký bản ghi nhớ với Tổng Công ty về việc hỗ trợ dự án nghiên cứu này. Họ sẽ trình với Chính phủ Nhật để bố trí kinh phí. Mức hỗ trợ khoảng 2 triệu USD. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ nghiên cứu trước hai đoạn là Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang.
Phía Nhật Bản có đưa ra điều kiện gì về khoản hỗ trợ này không?
- Kinh phí này là cho không để lập dự án chứ không có điều kiện gì cả. Việc họ có trở thành nhà thầu hay không là chuyện sau này. Lúc đó, có thể chúng ta sẽ vay vốn của họ và sẽ phải chịu các điều kiện như các khoản vay hỗ trợ phát triển (ODA) khác.
Thưa ông, Bộ GTVT có chỉ đạo gì về dự án này?
- Chủ trương của Bộ là vẫn tiếp tục nghiên cứu. Tổng giám đốc Tổng công ty chỉ đạo phấn đấu đến năm 2012 có thể để cắm mốc quy hoạch giữ đất cho dự án. Việc quy hoạch đất để tránh khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn sau này. Quy hoạch đất và việc xây dựng dự án là hai việc hoàn toàn khác nhau. Xây dựng dự án cần thông qua Quốc hội; còn quy hoạch đất là thẩm quyền của Chính phủ.
Vậy những ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia về nâng khổ đường sắt từ 1m hiện nay lên 1,435m được xem xét thế nào?
- Hiện đường sắt Thống nhất chạy qua 23 tỉnh thành, nhiều đoạn chạy trong khu đô thị và bị lấn chiếm hành lang. Nếu mở rộng đường thì khối lượng phải giải toả rất lớn chưa kể phải sửa chữa cầu cống và toàn tuyến đường sắt lúc đó cũng sẽ bị đình chỉ hoạt động. Phương án mở rộng đường sắt là không khả thi; chỉ có giải pháp cải tạo lại tuyến đường hiện nay.
Vậy cải tạo theo hướng nào thưa ông?
- Có rất nhiều việc như tự động hoá, thay đường ray dày hơn, chỉnh sửa đường cong làm cho tốc độ tàu chạy nhanh hơn.
Sỹ Lực (thực hiện)