Dân Việt

Lộ trình xóa nghèo đúng hướng

Kiều Thiện 08/10/2013 09:29 GMT+7
Là một trong 5 huyện nghèo của tỉnh Sơn La, nơi có nhiều đồng bào DTTS chung sống, huyện Phù Yên được hưởng chính sách 30a của Chính phủ. Những năm qua, Phù Yên đã dồn lực giúp người dân xoá nhà tạm và hướng dẫn bà con cách làm ăn...
Đầu tư đồng bộ

Đến với xã Kim Bon, nơi cư trú của hơn 800 hộ đồng bào Mông, Dao với nghề nông truyền thống, chúng tôi cảm nhận rõ những thay đổi lớn ở đây. Ông Vàng A Châu- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Mấy năm vừa qua, người Mông, người Dao ở Kim Bon được hưởng nhiều nguồn lợi từ chính sách 30a của Chính phủ. Trong đó, hoạt động xoá nhà tạm được triển khai quyết liệt, qua đó đảm bảo hơn 100 hộ nghèo không còn phải sống trong nhà tạm nữa. Sự hỗ trợ đúng hướng của Nhà nước đã giúp đồng bào thêm động lực vươn lên, hăng hái sản xuất xoá đói nghèo cho chính mình. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã 5 năm qua đã giảm tới 50%. Đó là nhờ có một lộ trình xoá nghèo đúng hướng”.

Đời sống của người Mông ở xã vùng cao Suối Bau, huyện Phù Yên, ngày càng có nhiều thay đổi  	nhờ thực hiện Chương trình 30a hiệu quả.
Đời sống của người Mông ở xã vùng cao Suối Bau, huyện Phù Yên, ngày càng có nhiều thay đổi nhờ thực hiện Chương trình 30a hiệu quả.

Trao đổi với ông Đặng Ngọc Quang - Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, được biết: Từ thực tế triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tới bà con DTTS, huyện đã rút ra những bài học và kinh nghiệm quý để nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư. “Dân còn nghèo, không có vốn để đối ứng nên đã đầu tư là phải đồng bộ mới phát huy hiệu quả đồng vốn cao. Nếu trao giống lúa, ngô cho dân thì ngoài tập huấn khuyến nông lại phải đầu tư phân bón; khi trao trâu, bò, lợn, cá thì phải tính tới việc đảm bảo khả năng phát triển nguồn vốn” - ông Quang chỉ rõ. Năm 2013, cùng với việc hỗ trợ giống lợn nái hậu bị cho 1.217 hộ và 202 hộ nghèo được mua bò giống, huyện Phù Yên đã chỉ đạo chi 472 triệu đồng mua thuốc và vaccin tiêm phòng dịch bệnh cho vật nuôi. Cách làm này không chỉ phòng ngừa, ngăn được dịch bệnh từ đàn gia súc mới mang về mà còn ngăn chặn được dịch bệnh cho đàn gia súc trên địa bàn.

“Việc cung ứng giống cây trồng gắn liền với cung ứng phân bón; cấp con giống bò, lợn đi liền với thực hiện tiêm phòng đàn gia súc là cách làm hay, đảm bảo hiệu quả xoá nghèo của Chương trình 30a ở vùng đất khó này”- ông Lường Văn Khuôn, người dân bản Bún Thượng, xã Huy Thượng nói.

Tạo sức bật cho bà con

Chị Bạc Thị Sen ở bản Bún Thượng tâm sự: Trước đây những hộ nghèo vẫn được hỗ trợ giống lúa, ngô, bò, lợn, gà… nhưng hiệu quả nuôi trồng thấp. Lý do là cây ngô lai cần được bón nhiều phân năng suất mới cao, nhưng bà con không có tiền mua; gia súc cần có chuồng trại, tiêm phòng dịch bệnh nhưng bà con không dám đầu tư, vì đến người cũng chưa có nhà ở tử tế, ốm đau còn ngại đi chữa bệnh… nên hiệu quả các dự án chưa cao. Nay Nhà nước cho người dân cái nhà ở tốt, hỗ trợ vốn làm chuồng trại, cho con giống, cho thuốc tiêm phòng, chỉ bảo cách chăn nuôi nên con giống hỗ trợ của Chương trình 30a phát triển tốt lắm. Ngô, lúa năm nay cũng được mùa vì có đủ phân bón đủ và bà con có kinh nghiệm sản xuất tốt hơn. Với cách giúp dân xoá nghèo đồng bộ như thế, tỷ lệ hộ nghèo không chỉ giảm nhanh mà số hộ vươn lên làm giàu sẽ tăng mạnh hơn trong thời gian tới.

Năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phù Yên chỉ còn dưới 26,3%, thấp nhất trong 5 huyện nghèo của tỉnh Sơn La.


Anh Lường Văn Khuôn - người dân bản Chài (Huy Thượng) cho biết: Bà con Thái, Mường ở đây tuy làm nông nghiệp lâu năm nhưng kinh nghiệm sản xuất hàng hoá còn hạn chế, vì thế tỷ lệ hộ nghèo cao. Mấy năm gần đây, nhờ chính sách 30a nên chúng tôi được hỗ trợ nhiều khoản trong sản xuất và đời sống. Nhưng điều quan trọng là huyện, xã đã giúp chúng tôi những cách xoá nghèo có hiệu quả. Chúng tôi được tập huấn khuyến nông dài ngày với những bài thực hành cụ thể: Cách làm đất vườn, trồng rau, làm ruộng nước; nuôi lợn, bò, trâu… Khi kiến thức ấy đã “nhập” vào cách làm thì những khoản cung cấp, hỗ trợ cho bà con không lo hiệu quả thấp hoặc “mất cả gốc” như trước nữa.