Chiều nay (3.10), báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, cho biết từ ngày 1.10 đến ngày 3.10, một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là vùng miền núi liên tục xuất hiện mưa to và rất to, một số địa phương có lượng mưa lớn như miền núi huyện Trà My 447mm, Phước Sơn 328mm, Tiên Phước 137mm, Hiệp Đức 120mm, Hiên 101mm, Nông Sơn 109mm.
Nhiều xã vùng cao của huyện Phước Sơn, Quảng Nam bị chìm ngập cô lập với bên ngoài
Mưa lớn kèm thủy điện xả lũ làm cho mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt đỉnh 8,47m trên báo động II là 0,47m; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy đạt đỉnh 6,78m trên báo động I là 0,58m; Câu Lâu 2,45m trên báo động I là 0,45m; tại Hội An 1,16 m trên báo động I là 0,16m. Theo đó, tại hồ chứa thủy điện AVương mực nước hiện tại là 380,18m, lưu lượng nước về hồ là 156,8m3/s, lưu lượng xả nước phát điện 78m3/s, lưu lượng xả nước qua tràn 105m3/s; thủy điện Đăk Mi 4 mực nước hiện tại 256,6m, lưu lượng nước về hồ là 913,5m3/s, lưu lượng xả phát điện 99,2m3/s, lưu lượng xả nước qua tràn 814m3/s; thủy điện Sông Tranh 2 mực nước hiện tại là 151,24m, lưu lượng nước về hồ là 906,94m3/s, lưu lượng xả phát điện 220m3/s. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 23/74 hồ chứa thủy lợi đã đầy nước, nhưng các hồ chứa hoạt động bình thường, chưa có trở ngại gì.
Thủy điện Đăk Mi 4 đang xả lũ làm ngập cả đồng bằng và miền núi.
Lũ cũng đã làm một nạn nhân bị nước cuốn mất tích là anh Nguyễn Văn Chánh (SN 1992, tổ 1, thôn Định Yên, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) bị nước cuốn trôi lúc 6 giờ ngày 2.10, do đi dời trâu, bò đến điểm an toàn, hiện nay vẫn chưa tìm thấy thi thể; có 8/13 xã, trị trấn Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Nú và Trà Kót, huyện Bắc Trà My, bị cô lập hoàn toàn. Trong khi đó, tại huyện miền núi cao Nam Trà My, đất, đá trên núi sạt lở làm ảnh hưởng đến 5 hộ dân và chính quyền địa phương đã sơ tán khẩn cấp 5 hộ dân đến nơi an toàn; sạt lở trên tuyến đường Nam Quảng Nam trước Phòng Giáo dục và Đào tạo, nguy cơ sạt lở bờ kè bảo vệ cơ quan Phòng Giáo dục và Đào tạo là rất cao.
Trao đổi nhanh với
Dân Việt, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Hai ngày nay, lũ trên thượng nguồn đổ về do thủy điện xả lũ làm cho nhiều tuyến đường trong phố cổ Hội An chìm ngập trong nước, trong đó tuyến đường Bạch Đằng nằm dọc sông Hoài bị ngập sâu hơn 50cm, cùng một số tuyền đường chính cũng bị ngập từ 30 đến 40cm. UBND TP.Hội An đã triển khai các lực lượng và phương tiện sẵn sàng ứng cứu giúp dân. Hệ thống phát thanh xã, phường và truyền thanh lưu động phát thông tin lũ để người dân biết chủ động ứng phó và du khách tham quan trên phố cổ cần được biết chủ động hơn”.
Còn ông Phan Đức Tính - Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Đến chiều nay, trên địa bàn vẫn còn ngập 3 điểm xung yếu đó là Gò Quan Âm thuộc xã Đại Quang giáp xã Đại Nghĩa, Cầu Lừ thuộc xã Đại Phong và một phần thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, lũ cũng nhấn chìm 51 trạm bơm thủy lợi nằm ven sông Ái Nghĩa, sạt lở nhiều đất nông nghiệp của người dân. Đặc biệt, hai ngày nay do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ làm ngập nhiều nơi, người dân một số xã trên địa bàn huyện Đại Lộc tưởng là vỡ đập thủy điện Đăk Mi 4 nên họ đồn ầm lên, làm cho một số người dân tưởng thật nên thu xếp dọn đồ đạc, di chuyển đến vùng cao. Sau khi nhận thông tin, UBND huyện đã thông báo trên loa phát thanh trấn an người dân là không hề có chuyện vỡ đập thủy điện Đăk Mi 4, hiện người dân đã yên tâm, không còn lo lắng như ngày hôm qua” - ông Tính nói.